Về đơn tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Về đơn tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa
TP - Tiền phong có buổi làm việc với ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Tây), xung quanh nội dung tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

Thưa ông, trong đơn thầy Khoa tố cáo nhà trường đã đưa ra những quy định quá khắt khe khiến nhiều học sinh bị kỷ luật phải nghỉ học. Việc nhà trường đưa ra những quy định như vậy có trái luật?

Tháng 9/2006, sau khi xảy ra những tiêu cực tại trường Vân Tảo, tôi được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tây cử về làm hiệu trưởng. Qua tìm hiểu, tôi mới biết vấn đề đạo đức học sinh tại trường rất phức tạp. Tại trường từng xảy ra vụ gây án mạng ngay trong giờ học.

Bên cạnh đó, nạn đánh bạc, vô lễ với thầy, cô giáo thường xuyên xảy ra. Điều này luôn là nỗi ám ảnh, quan ngại và lo lắng của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tây nói chung, trường THPT Vân Tảo nói riêng.

Để xốc lại tình hình kỷ luật của nhà trường, chúng tôi nghiên cứu những quy định trong điều lệ trường THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, để xây dựng nội quy quy định cụ thể đối với học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường.

Buổi sáng, giờ học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút thì giáo viên, học sinh phải có mặt ở lớp từ 7 giờ 25 phút. Học sinh, giáo viên tới trường phải ăn mặc sạch sẽ, áo bỏ trong quần, không được mang hung khí vào trường... Nếu ai vi phạm đã bị nhắc nhở đến lần thứ 3 lớp sẽ họp xét kỷ luật.

Những nội quy, quy định này hoàn toàn nằm trong hành lang pháp lý và thẩm quyền, không hề trái với những quy định của Sở và Bộ đề ra.

Nhưng có học sinh chỉ vì vuốt keo tóc tới trường cũng bị kỷ luật, nhiều học sinh bị kỷ luật đến nỗi phải bỏ học, thưa ông?

Không ai lại đi kỷ luật một học sinh vì tóc vuốt keo cả. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự nhà trường. Việc siết chặt tính kỷ luật là rất cần thiết và thực tế đã mang những hiệu quả tốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Năm học 2006 – 2007, Hội đồng kỷ luật nhà trường dù không muốn, nhưng vẫn phải nhiều lần họp, xét, ra quyết định kỷ luật hơn 100 lượt học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường.

Về việc làm này, chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương trong quá trình kiên nhẫn giáo dục học sinh. Việc siết chặt kỷ luật đã thực sự chuyển mình, gây được niềm tin và sự tín nhiệm của tuyệt đại đa số phụ huynh học sinh.

Trường THPT Vân Tảo đã ép buộc học sinh học thêm, thu tiền dạy thêm cao gấp đôi so với quy định của UBND tỉnh Hà Tây.

Cụ thể, trường bắt 100% học sinh lớp 12 phải học thêm 46 buổi, thu 300.000 đồng; Thu các khoản trái quy định hàng trăm triệu đồng; Kỷ luật học sinh hà khắc thiếu tính sư phạm.

Học sinh cứ mắc ba lỗi nhỏ thì tính thành một lỗi lớn, học sinh nào đến sau 7 giờ 25 là bị đuổi về; Đe dọa, khủng bố cá nhân (thầy Đỗ Việt Khoa); Bôi nhọ lãnh đạo...

(Trích nội dung chính đơn tố cáo của thầy Đỗ Việt Khoa)

Sang năm học này (kết thúc học kỳ I năm học 2007 - 2008), số lượt học sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ có 27 lượt học sinh (bị kỷ luật từ mức cảnh cáo đến đình chỉ học tập một tháng).

Có em nhờ việc nhà trường siết chặt kỷ luật, từ một học sinh chểnh mảng học hành đã vươn lên thành học sinh khá, gia đình còn đến cảm ơn nhà trường...

Còn việc nhà trường bắt học sinh học thêm để thu tiền thì sao, thưa ông?

Sau khi những tiêu cực trong thi cử được phanh phui, để đảm bảo chất lượng học tập thực chất hơn, nhà trường đã đầu tư cả hệ thống camera giám sát tới từng lớp học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 – 2007 lần thứ nhất chỉ đạt 29,62%, lần thứ hai đạt gần 29,6%, gộp cả hai lần đạt 50,4%.

Đó là kết quả, là dấu hiệu đáng mừng của việc dạy thật, học thật, thi thật và kết quả thật. Tỉ lệ học sinh đỗ đại học - cao đẳng đạt 22% trên tổng số học sinh đỗ tốt nghiệp. Năm học 2006 - 2007, nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh.

Việc dạy thêm, học thêm là có. Và đây là nguyện vọng của chính phụ huynh học sinh, nhất là với những học sinh học yếu. Mọi vấn đề về kinh phí đóng góp cho các buổi học thêm đều do phụ huynh học sinh quyết định chứ nhà trường không hề ép buộc cá nhân học sinh và phụ huynh học sinh nào.

Nguồn kinh phí thu được sau khi trả công cho giáo viên, dùng để in sao tài liệu, đề thi, kiểm tra chất lượng của các lớp dạy thêm học thêm, phần còn lại nếu thừa sau khi đã chi đúng, chi đủ sẽ được dùng vào việc khen thưởng những em có kết quả học tập phụ đạo tốt và sẽ dạy thêm một số buổi cho các em vào cuối năm không thu tiền nếu kinh phí sau chi vẫn còn.

Như vây, nội dung đơn tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa là sai sự thật, thưa ông?

Sau khi có đơn tố cáo của thầy Đỗ Việt Khoa, tôi đã chủ động báo cáo lãnh đạo Sở và đề nghị Sở tiến hành thanh tra, Tới đây Sở sẽ có kết luận rõ trắng đen. Khi đó tôi sẽ chủ động cung cấp kết luận cho nhà báo.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.