Vẻ đẹp Việt lấp lánh sau đêm đăng quang

Vẻ đẹp Việt lấp lánh sau đêm đăng quang
TP - Hoa hậu Việt Nam, những người đã gắn bó với tên tuổi của mình với Báo Tiền Phong, những người xinh đẹp và thành đạt, đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt, dù có lúc sóng gió, khó khăn, nhưng họ vẫn giữ cho chiếc vương miện luôn tỏa sáng.
Vẻ đẹp Việt lấp lánh sau đêm đăng quang ảnh 1

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam - Bùi Bích Phương

Gặp Bùi Bích Phương, vẫn thấy ở chị vẻ rạng ngời của cô gái đẹp nhất từ cách đây 20 năm. Vẫn là sự nền nã, thân thiện dù công việc vô cùng bận rộn hàng ngày không có thời gian để Bích Phương có cơ hội một lần sống chậm lại.

Mang tất cả sự trong sáng, hồn nhiên mà rất tự tin lên sân khấu, cô gái Hà Nội Bùi Bích Phương đã chinh phục được tất cả thành viên ban giám khảo, và đông đảo công chúng ngưỡng mộ cái đẹp lúc bấy giờ để giành vương miện một cách xứng đáng.

Vẻ đẹp duyên dáng ấy giờ đây có phần sang trọng và mặn mà hơn. Chị tâm sự: “Vương miện Hoa hậu là vinh dự lớn nhưng không làm cho tôi khác với mọi người, và cũng không giúp tôi dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Danh hiệu Hoa hậu là áp lực tích cực giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn và trở ngại, thêm quyết tâm để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là Danh hiệu Hoa hậu đã giúp tôi tự hoàn thiện mình hơn”.

Tốt nghiệp đại học khoa tiếng Anh, năm 1994, sau thời gian miệt mài công tác, học tập và âm thầm tìm kiếm cơ hội du học, chị đã nhận được học bổng du học ở Hàn Quốc. Bốn năm vất vả nơi xứ người, từ chối sự đặc cách của nhà trường dành cho sinh viên nước ngoài là được bảo vệ luận văn Thạc sĩ bằng tiếng Anh, Bùi Bích Phương đã viết và bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ bằng tiếng Hàn Quốc trong sự thán phục của thầy cô và bạn bè.

Năm 1999, ngay sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh loại xuất sắc, Bùi Bích Phương đã nhận lời làm việc cho Quỹ Giáo dục Đại học & Sau đại học Hàn Quốc, một tổ chức giáo dục quốc tế phi lợi nhuận, được thành lập với mục đích đào tạo nhân tài và tài trợ cho các hoạt động khoa học, hợp tác và giao lưu khoa học do các nhà khoa học Hàn Quốc và châu Á thực hiện.

Hiện nay chị là Trưởng Đại diện của Quỹ Giáo dục Đại học & Sau đại học Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Ngân sách tài trợ dành cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế của Quỹ mỗi năm khoảng 15 triệu USD.

Dù luôn phải chạy đua với thời gian nhưng Bùi Bích Phương vẫn cố gắng dành ít thời giờ để luyện tập thể thao sau mỗi buổi chiều đi làm về. Bích Phương cho rằng việc tập luyện thể thao thường xuyên mang lại sự sảng khoái, khỏe mạnh vể thể chất và tinh thần, sống yêu đời, lao động hết mình và luôn học hỏi để trau dồi kiến thức, đó là những tố chất cần có của một Hoa hậu.

Hoa hậu Diệu Hoa trong mắt ông xã Maneesh Dane

Vẻ đẹp Việt lấp lánh sau đêm đăng quang ảnh 2

Hoa hậu Diệu Hoa trong mắt ông xã Maneesh Dane

“Tôi sang Việt Nam ngày 28/10/1990, đúng ngày Diệu Hoa được trao vương miện Hoa hậu. Đúng là số phận đã gắn kết hai chúng tôi từ hai miền đất xa xôi đến với nhau. Ngay từ lần gặp nhau đầu tiên, tôi đã có cảm giác như có một sợi dây vô hình kết nối hai chúng tôi lại.

Tôi đã bị cuốn hút bởi nụ cười duyên dáng và cách nói chuyện rất thông minh của Diệu Hoa. Có thể nói chúng tôi đã có một tình yêu sét đánh. Chúng tôi cùng có những sở thích giống nhau. Vì vậy chúng tôi có thể ngồi tâm sự hàng giờ không biết chán.

Còn nhớ lúc Diệu Hoa đi sang Pháp thăm bố mẹ mấy tháng, đối với tôi đó là một thời gian vô cùng dài, tôi đã gần như ngày nào cũng gọi điện để được nghe giọng nói của Diệu Hoa. Tôi thầm cảm ơn trời đất đã ban cho tôi một người con gái tuyệt vời đến như vậy.

Chúng tôi yêu nhau và cưới nhau. 15 năm đã trôi qua, tôi thật sự hạnh phúc khi có Diệu Hoa trong cuộc đời. Tôi đã dễ dàng hoà nhập vào cuộc sống ở Việt Nam, cũng như Diệu Hoa đã nhanh chóng hòa mình vào văn hóa Ấn Độ vì nền văn hóa của hai nước có nhiều nét tương đồng.

Bố mẹ tôi, họ hàng nhà tôi rất yêu thương Diệu Hoa. Bố mẹ tôi luôn nói với tôi rằng họ thật may mắn khi có một nàng dâu tốt như vậy. Bố mẹ tôi đã sang Việt Nam nhiều lần và mỗi lần ở với chúng tôi từ 3 - 6 tháng. Diệu Hoa đã hết lòng chăm sóc bố mẹ tôi.

Nói về công việc thì Diệu Hoa thật bận rộn. Sáng dậy sớm sang Trung tâm văn hóa của quận để tập thể dục, sau đó về nhà ăn sáng rồi đến văn phòng Cty (do hai vợ chồng tôi quản  lý), làm việc, chiều tối về nhà, ăn uống xong thì hỏi han việc học tập, giải đáp thắc mắc về bài vở của các con...

Kể như vậy thì thấy cũng đơn giản, nhưng ai cũng biết đâu chỉ có những công việc coi như đã thành thói quen đó, mà còn biết bao mối bận tâm liên quan đến sức khoẻ của con cái, giao tiếp với bạn bè, họ hàng, mua sắm vật dụng gia đình, bảo trì nhà cửa, rồi tình hình bố mẹ và gia đình hai bên nội ngoại, rồi còn phải tham gia các hoạt động xã hội v.v...

Cách đây không lâu, trong suốt hai năm, Diệu Hoa học để lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Học viện công nghệ châu Á ở Thái Lan. Chương trình bao gồm lên lớp tập trung vào các buổi tối, thậm chí cả ngày thứ bảy và chủ nhật, và mỗi năm 4 lần sang Thái Lan thi học phần. Ngoài ra Diệu Hoa còn phải dành thời gian cho nghiên cứu, viết luận án. Diệu Hoa đã học tập nghiêm túc và tốt nghiệp loại xuất sắc. Tôi rất tự hào về cô ấy.

15 năm đã trôi qua nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn như ngày nào thậm chí còn mặn nồng sâu sắc hơn, hòa quyện cùng tình yêu dành cho ba bé Diệu My, Diệu Ly, Hoàng Phi. Tôi thật may mắn vì đã có một gia đình thật sự hạnh phúc. Với tôi, cô ấy luôn là đương kim hoa hậu”. 

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.