Ngoài thị trấn U Minh với mấy cây cầu bê tông nhuốm chút mùi phố xá, vài nóc nhà lèo tèo nơi phố chợ, cả vùng chỉ tuyền là rừng tràm, rừng đước, nước ngập, đồng chua, lau sậy um tùm, kinh rạch chằng chịt.
Về U Minh, ta có thể cảm nhận ngay cái hương vị nồng nàn mùi cây cỏ, bùn đất qua những món ăn đậm chất miền viễn tây Nam Bộ. Bước vô một quán ăn ven đường, tuy không còn phải thắp đèn dầu hiu hắt như cái quán của dì Tư béo trong Đất rừng phương Nam, nhưng cái mênh mông của bóng đêm, của lau sậy, bưng biền tứ phía, chiếc đèn sợi đốt 45W hình như vẫn không đủ xua đi cảm giác mơ màng của một người thành phố bỗng chốc lạc tới chốn u minh.
Hỏi cô chủ quán mới tròn đôi mươi, má phinh phính thấp thoáng lúm đồng tiền rằng cho anh xin bảng thực đơn, cô tủm tỉm cười, tay chỉ vào người. Ý cô chắc hẳn: Em chính là thực đơn sống chứ đâu, có gì cứ kêu em.
Rồi “thực đơn” liệt kê những thứ quán cô đang có: Rắn bông súng nướng mọi hoặc nướng muối ớt tại bàn, cá lóc đồng nấu chua, tôm đất nướng, rau các loại, bia Sài Gòn đỏ hay rượu quê nút lá chuối, rượu sáp ong…
Đã từ lâu, tôi nghe danh tiếng của nhiều món ăn thông dụng miệt U Minh hạ. Quen thuộc nhất có lẽ là cá lóc đồng nấu chua, ăn kèm các loại rau vùng nước ngập như rau rút, bông súng, rau đắng, bạc hà (ngoài Bắc kêu bằng dọc mùng). Cá lóc ở đây rất ngon, không quá to nhưng thịt ngọt, chắc, khác hẳn những con cá lóc nuôi bán đầy các chợ Sài Gòn.
Ai thích tìm cảm giác khác lạ ở những món đặc sản có thể gọi tôm đất nướng, món gắn liền với vùng Cà Mau. Loài này là tôm nước lợ, sống lơ lửng ở lớp bùn lẫn nước gần sát đáy nên được gọi là tôm đất. Ăn vài con tôm đất xứ U Minh là nguy cơ khiến bạn quay lưng với những con tôm thẻ to béo ở những nhà hàng thành phố.
Nhưng rất tiếc, thứ mà tôi muốn thưởng thức là món cua Cà Mau nổi tiếng thì hôm nay quán không có. Đành tìm giải pháp thay thế bằng món rắn bông súng nước mọi. Trong khi chúng tôi khoái chí nhâm nhi từng khúc rắn nướng thơm lừng thì anh bạn người Nhật, một tình nguyện viên làm việc ở U Minh vài tháng nay, chỉ cầm một miếng ăn qua loa rồi bỏ xuống. Anh ta tếu táo rằng sợ ăn nhiều thịt rắn thì đêm nay sẽ “khó ngủ”. Nhưng có lẽ anh sợ thì đúng hơn.
Hôm sau, chúng tôi rời U Minh, đến thăm một người bạn ở xã Khánh An, cùng huyện. Nhà Kiên, tên anh, sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm, cua. Gia đình Kiên có hơn 1 ha mặt nước nuôi tôm, cua, cá. Kiên dẫn chúng tôi ra cái ao sau nhà, kiếm cần câu, móc con cá rô phi nhỏ và bỏ xuống.
Chỉ một loáng, anh kéo lên cả chục con cua, thân xanh thẫm, to cỡ bàn tay. Và cũng chỉ một loáng, mâm cua đỏ au, hơi bốc nghi ngút với đĩa muối tiêu chanh ớt đã được bưng ra hiên nhà mát rượi trước dòng kinh chảy lững lờ.
Kiên hướng dẫn mọi người ăn cua đúng kiểu. Đầu tiên, lật ngửa chú cua đỏ au, nhẹ nhàng tách sao cho nước cua được giữ lại toàn bộ trong mai. Đưa mai cua lên húp trọn thứ nước ngon, ngọt ấy rồi dùng thìa xúc gạch cua ăn. Quả tình, ngồi bên hàng hiên, xung quanh là kinh rạch, cây cối, nuốt trọn miếng gạch cua, chiêu một ngụm bia, thấy đời rất đáng sống.
Cua Cà Mau có đặc điểm là không quá to, nhưng càng, và chân nhỏ đầy thịt, rất ngọt và chắc. Anh chàng người Nhật bảo, từng ăn cua Thượng Hải nổi tiếng, “nhưng nói một cách thành thực, cua Cà Mau ngon hơn nhiều”. Rồi hỏi cắc cớ: Sao ít người trên thế giới biết rằng cua Cà Mau ngon đến thế?
Ra về, chàng Nhật giúi vào tay Kiên 500.000 đồng, ra ý trả tiền cho bữa cua. Kiên chối đây đẩy khiến anh ta bối rối. Có lẽ, anh chàng nên ở lại đây thêm một thời gian để hiểu sự khoáng đạt, hiếu khách của người U Minh hơn nữa.