VCCI cùng Hansiba bắt tay, tạo cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI luôn đặt ngành công nghiệp hỗ trợ làm trọng tâm, và đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến mở rộng, luôn lắng nghe và ghi nhận những vướng mắc của doanh nghiệp. VCCI đã thành lập tổ công tác về ngành công nghiệp hỗ trợ để kết nối với hệ thống các doanh nghiệp trên toàn quốc, đẩy mạnh hành trình liên kết cùng nhau phát triển bền vững.

Ngày 13/10, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành (mở rộng) lần 2 - năm 2022, đồng thời gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Tham dự hội nghị, đại diện Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, lắng nghe những những vướng mắc, khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc tạo cầu nối cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng hợp ý kiến từ các hội viên, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hansiba cho biết, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội cũng như của cả nước còn chưa tiếp cận được do các chính sách này còn có nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện. Một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các cơ quan thừa hành cấp dưới lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp rất mong muốn trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ quan tâm, xem xét đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong nhiệm kỳ này.

VCCI cùng Hansiba bắt tay, tạo cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ toàn quốc ảnh 1

Đại diện VCCI và Hansiba lắng nghe, tiếp thu những vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp

Chủ tịch Hansiba cũng kiến nghị, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng nhà nhà, tỉnh nào cũng đua nhau phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hạn chế việc lãng phí nguồn lực đầu tư của cả nhà nước và doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội, hiện nay, quy định về điều kiện vay vốn cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thật phù hợp. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn gồm lãi suất và thời gian, hạn mức vay,… Do đó, có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu.

Thay mặt các doanh nghiệp hội viên, Chủ tịch Hansiba đề xuất việc nghiên cứu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc nhà nước cổ phần với các doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như ô tô, chế biến, chế tạo, điện tử.... và các sản phẩm then chốt phục vụ dân sinh và quốc phòng. Sau khi thành công có thể sẽ bán đấu giá các công ty 100% vốn nhà nước này cho tư nhân quản lý.

Với hoạt động kết nối doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam, ông Hoàng nhấn mạnh việc thúc đẩy việc các ông lớn FDI “kèm cặp”, đặt hàng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội cho thấy, việc các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng nghĩa với bỏ ngỏ một thị trường quy mô hàng trăm tỷ đô mỗi năm.

Các số liệu cho thấy, riêng số lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD, trong đó với các sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô đã lên tới khoảng 35-50 tỷ USD/năm.

"Việc bỏ ngỏ một thị trường với doanh thu hàng trăm tỷ đồng là một điều đáng tiếc nếu nhìn vào con số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia sân chơi cạnh tranh toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 0,2% trong số này tham gia được vào lĩnh vực sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ. So với số lượng và quy mô của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của một số quốc gia trong khối ASEAN, thì việc doanh nghiệp Việt bỏ ngỏ thị trường là điều đáng báo động', đại diện Hansiba cho hay.

Đại diện Hansiba cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tự đổi mới để bắt nhịp với sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, tình trạng tụt hậu và hạn chế về năng lực cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành, vốn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh cũng như đặt được chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Về phía VCCI, bà Trần Thị Lan Anh (Tổng Thư ký) cho biết, VCCI sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Tổng thư ký VCCI mong muốn, các doanh nhân của Hansiba sẽ cùng đồng lòng, đoàn kết cùng hun đúc và lan toả các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành đất nước công nghiệp hoá.

Theo thống kê, đến nay chế tạo ô tô tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; điện tử tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-10%; da giày tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 30%; dệt may tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 30%; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tỉ lệ nội địa hóa khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.