Vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67: Hàng loạt ngư dân rút hồ sơ

Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa trên tàu gỗ truyền thống.
Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa trên tàu gỗ truyền thống.
TP - Đã có nhiều ngư dân được giải ngân để đóng tàu vươn khơi theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hàng loạt ngư dân ở Quảng Ngãi đã xin rút hồ sơ vay vốn vì cảm thấy quy định quá cứng nhắc, nhiêu khê. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, ngư dân cũng không còn mặn mà với “vốn vay 67” mà tự tìm nguồn vốn vay ngoài…

Quá nhiêu khê

Ngư dân Nguyễn Tư (thôn Thạch Bi 1, Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) vừa quyết định rút hồ sơ vay vốn ngân hàng đóng tàu mới theo NĐ 67. Mặc dù hồ sơ của ông sắp được duyệt và chỉ còn thiếu một vài giấy tờ cần bổ sung. Ông Tư cho hay, đóng một con tàu mới vỏ gỗ, trị giá khoảng 5 tỷ đồng, nếu theo NĐ 67, ông bỏ vốn đối ứng khoảng 1,5 tỷ. “Cái bất cập nhất là chúng tôi phải dùng máy mới 100% trong khi nếu dùng máy cũ của con tàu cũ, vẫn còn chạy tốt thì trị giá con tàu giảm xuống còn 3 - 3,5 tỷ. Sao lại có quy định cứng nhắc thế?”, ông Tư đặt câu hỏi.

Chủ tàu Nguyễn Văn Êm (thôn Phổ An, Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng xin rút với lý do tương tự. Thừa nhận lãi suất và nhiều ưu đãi của NĐ 67, tuy nhiên ông Êm cho rằng, có quá nhiều thủ tục nhiêu khê mà ngư dân không tài nào đáp ứng được. Khi quyết định đóng tàu mới, bỏ con tàu cũ thì máy của tàu cũ vẫn còn xài rất tốt, ít nhất 10 - 15 năm sau mới thay, thế nhưng NĐ 67 nhất quyết bắt mua máy mới. Hồ sơ của hai ông Êm và Tư đã đi đến những thủ tục cuối cùng và sắp được ngân hàng phê duyệt, giải ngân. Cả hai chủ tàu trên cho hay, quyết định bỏ tiếp cận vốn vay ưu đãi cũng rất tiếc, nhưng sang “chơi” với đầu nậu, thông thoáng và gọn lẹ hơn.

Ông Êm cho rằng, ngư dân và chủ nậu đã quan hệ với nhau lâu năm, không thể thiếu một trong 2 mắt xích. “Lãi suất có cao hơn nhưng nhanh gọn lắm. Ký một chữ là có tiền tươi, không phải đợi hồ sơ hàng tháng trời, lỡ hết mùa vụ”, ông Êm nói.

Ngư dân Bùi Văn Phải (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn) đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67. Theo hồ sơ, tàu của anh Phải có công suất 800CV, làm nghề vây rút chì, trị giá khoảng 15 tỷ chưa kể ngư lưới cụ. Hồ sơ của anh Phải đã được tỉnh Quảng Ngãi xét duyệt xong, sắp tới sẽ thông qua ngân hàng giải ngân. Đùng cái, anh Phải làm đơn xin rút hồ sơ. Lý do rút hồ sơ vẫn như ngư dân khác: lắp máy mới giá thành quá cao trong khi mua lại máy cũ, giá thấp, chất lượng vẫn đảm bảo. Tại Đà Nẵng, ngư dân Hồ Ngọc Thạnh (Xuân Hà, Thanh Khê) cho rằng, mới đọc qua những điều kiện ràng buộc vay vốn theo NĐ 67, hàng trăm chủ tàu đã thất vọng rồi. Tính đi tính lại, ngư dân dùng sổ đỏ thế chấp ngân hàng, thiếu bao nhiêu vay đầu nậu vẫn là cách làm gọn nhất. “Vay tiền của chủ nậu, trừ dần theo những chuyến ra khơi. Không có thủ tục nhiêu khê. Vì vậy lãi suất có cao hơn tí cũng chấp nhận”.

Vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67: Hàng loạt ngư dân rút hồ sơ ảnh 1

Một tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP.

Kiến nghị nới lỏng thủ tục

Ngư dân Lê Túc (An Hải, Lý Sơn) là một trong những chủ tàu đăng ký vay vốn NĐ 67 sớm nhất ở huyện đảo Lý Sơn, song đến giờ chót, ngư dân Túc đổi ý rút lui. Theo ông Túc, với một con tàu vỏ thép được đóng mới công suất khoảng 800 -1.000 CV, theo thiết kế phải đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng, nhưng nếu cho ngư dân lắp đặt máy cũ còn sử dụng được thì giá thành đầu tư giảm gần 1/3, đây là khoản tiền không nhỏ đối với ngư dân, đủ để ngư dân đầu tư mua sắm ngư cụ.

Theo các ngư dân, ngoài các quy định về máy móc, ngư lưới cụ, mẫu tàu, bảo hiểm…, việc mập mờ câu chuyện hoàn thuế GTGT cũng khiến họ muốn rút lui. Đến nay, chưa thấy ai, cơ quan nào giải thích cho ngư dân hiểu có hay không được hoàn 10% thuế GTGT.

Theo giải thích của Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi, các trường hợp xin rút hồ sơ vay vốn tại ngân hàng đều có chung những lý do là không có vốn tự có, không đồng ý với chủ trương mua máy mới, nhiều ngư dân đi biển, ngân hàng chưa tiếp cận được... Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tham mưu để có những đề xuất, kiến nghị trung ương tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, rất khó thay đổi qui định. “Nghị định 67 tuy có nhiều ưu đãi, nhưng so với thực tế còn có quá nhiều điều buộc ngư dân phải tính toán. Về phía ngân hàng, do nguồn vốn cho vay quá lớn nên cũng dè dặt trong vấn đề xét duyệt hồ sơ cho vay”, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết. Còn theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng mới chỉ có 4 ngư dân được vay vốn NĐ 67, có 22 hồ sơ đang được duyệt. “Vẫn biết có nhiều vướng mắc nhưng việc nới lỏng NĐ 67 hiện nay là không thể. Chúng tôi cũng đang chờ các chỉ đạo từ trung ương”, ông Tám nói.

Được biết, sau gần 1 năm, Quảng Ngãi đã phê duyệt hỗ trợ đóng mới và nâng cấp  73 tàu cá, trong đó có 27 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite, 41 tàu vỏ gỗ. Các ngân hàng thương mại đã tiếp cận được chủ của 65 tàu. Trong số này, 9 chủ tàu được ký hợp đồng, có 5 tàu được giải ngân, với kinh phí 26,6 tỷ đồng/69,5 tỷ đồng cam kết cho vay. Tuy nhiên, điều đáng lo là đã có tới 26 trường hợp xin rút hồ sơ. Trong đó, gồm 19 tàu vỏ gỗ, 5 vỏ thép và 2 composite.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.