Vay tiền ngân hàng mua ôtô: Coi chừng cạm bẫy lãi suất

Những người có thu nhập ổn định tầm 20 triệu đều được các ngân hàng tư vấn là vay tiền mua ô tô là đảm bảo an toàn tài chính. Thậm chí, có thu nhập thấp hơn cũng có thể vay tiền mua xế hộp dễ dàng. Nhưng nhiều người trong cuộc mới thấy đời ‘bất an’ thế nào khi vừa phải nuôi xe lại lo tiền trả nợ. Ôm vô lăng mà chẳng sung sướng gì.
Hiện cứ 10 người đến mua xe thì có tới 4-5 người muốn sử dụng vốn vay ngân hàng.

Hấp dẫn mời vay

Hiện các ngân hàng (NH) đã đưa ra những gói sản phẩm cho vay mua ô tô cả mới lẫn cũ với lời mời hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không cân đối tài chính và tính toán kỹ, người vay rất dễ bị áp lực bởi các khoản nợ, thậm chí không có khả năng chi trả.

Giám đốc một đại lý bán xe Toyota tại Hà Nội cho biết, hiện nay cứ 10 người đến mua xe, thì có tới 4-5 người muốn sử dụng vốn vay ngân hàng. Mọi người đều biết rất rõ lãi suất cũng như số tiền phải trả hàng tháng và không phàn nàn gì.

Để lôi kéo khách hàng, hầu như NH nào cũng có chương trình cho vay mua ôtô với nhiều ưu đãi, hấp dẫn. Một số NH cho biết, họ có thể hoàn tất thủ tục và giải ngân chỉ trong vòng 4 giờ, kể từ khi khách hàng nộp đơn xin vay. Tức là ngay trong buổi sáng khách hàng có thể vay xong tiền và mua xe.

Điều khách hàng quan tâm nhất là lãi suất thì thời gian đầu đều khá hấp dẫn. Các NH đều đưa ra gói sản phẩm cho vay với lãi suất thấp ưu đãi ở 3 tháng, hoặc 6 tháng đầu. Với 3 tháng đang dao động từ 5,5%-5,9%/năm , còn với 6 tháng từ 6,5%-7%/năm...

Hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính dựa trên lãi suất cơ sở thường là lãi suất bình quân vốn đầu vào, cộng thêm biên độ. Biên độ của các ngân hàng hiện đang dao động ở mức 3,5%-4,3%.

Một ngân hàng cổ phần đang chào mức lãi suất cơ sở ở mức 6,2%/năm và cộng thêm biên độ từ 3,8%/năm - 4,1%/năm tùy gói với khách hàng vay mua ôtô. Như vậy, sau 3-6 tháng được hưởng lãi suất thấp thì lãi vay mua ô tô sẽ tăng lên mức từ 10%/năm trở lên.

Ngoài lãi suất, thì thời gian vay có thể tới 7 năm và tỷ lệ vốn vay tới 70%-90% giá trị xe.

Giấy tờ cắm ở ngân hàng

Giám đốc chi nhánh 1 ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết, khi khách hàng vay vốn để mua xe, thì giấy tờ gốc của xe sẽ do ngân hàng giữ. Cùng với đó khách hàng phải làm hợp đồng thế chấp, tức là chấp nhận, nếu không trả nợ đúng hạn thì sẽ bị ngân hàng thu xe đem bán thu hồi nợ. Ngoài ra, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc theo chỉ định của ngân hàng.

Với những quy định này, các ngân hàng cho biết, họ luôn “nắm đằng chuôi”, khách hàng khó có thể “cựa quậy”.

Chỉ cần chậm 30 ngày không trả nợ là nhân viên công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các NH sẽ tìm đến tận nhà đôn đốc, thẩm định tình trạng thực tế xem khách hàng có thể tiếp tục trả nợ được hay không, để đưa ra quyết định thu xe, hoặc cho chậm trả….

Ngay cả khi khách hàng có mang xe đi đặt cho tiệm cầm đồ thì các nhân viên này cũng sẽ truy tìm và thu xe về. Nếu vì lý do gì đó, khách không có khả năng trả nợ, không thu được xe thì bảo hiểm cũng sẽ chi trả.

Thông thường, sau 30 ngày không trả nợ, NH có quyền thu xe đem bán, giá trị xe có giảm, nhưng không thể lỗ, bởi các tháng trước đó khách hàng vẫn trả đều đặn, nên khi bán, giá trị còn lại vẫn đảm bảo đủ trả số nợ cả gốc lẫn lãi.

Không những thế, với lãi suất cho vay khá cao, lên tới trên 10%/năm, cũng giúp cho các NH có khoản lợi nhuận đáng kể để bù đắp rủi ro xảy ra. Vì vậy nhiều NH tự tin tung ra các chương trình cho vay kéo dài, tỷ lệ vay cao.

Chuốc nợ vào thân thì sướng gì?

Trong khi NH tỏ ra “chắc chân” thì ngược lại, khách hàng có nguy cơ gặp rủi ro. Nếu không cân đối tài chính và tính toán kỹ, người vay dễ bị áp lực bởi khoản nợ. Đây là khoản vay có thời hạn dài, nếu không đảm bảo thanh toán đúng hạn cho ngân hàng, rắc rối sẽ xảy ra.

Nhiều người trong cuộc mới thấy đời ‘bất an’ thế nào khi vừa phải nuôi xe lại lo tiền trả nợ.

Chị Nguyễn Thanh Tú, khu tập thể Kim Liên ( Đống Đa - HN) 3 năm trước đã vay tiền ngân hàng để mua chiếc Honda Civic cho biết, với thời hạn vay 36 tháng, lãi suất 3 tháng đầu chỉ 9%, nhưng sau đó ngân hàng điều chỉnh, có tháng lên tới 15%, thậm chí 17%, làm cho việc trả nợ hàng tháng của gia đình chị rất khó khăn, kèm theo đó là việc phạt khi trả chậm, khiến tháng nào cũng nơm nớp lo tiền trả nợ.

   

“Vay tiền ngân hàng mua ô tô nếu gặp thời kỳ lãi suất biến động liên tục, không khác gì tự “rước nỗi lo vào người”, chị Tú tâm sự.

Câu chuyện tương tự xảy ra với anh chị Minh – Thoan ở Thanh Xuân khi đã từng chịu lãi suất lên đến hơn 20% trong thời kỳ lãi suất cắt cổ trước đây vì vay nợ mua con Nissan Teana. Bán vội xe trả nợ, anh Minh vẫn còn lắc đầu mỗi khi kể lại chuyện cũ.

Tín dụng tăng trưởng mạnh, các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo. Những khách hàng mua xe thời điểm này, sau 6 tháng nữa, có thể sẽ phải chịu lãi suất cao hơn dự tính.

Muốn trả trước cũng rất khó khăn vì phải chịu phạt. Một số ngân hàng đang áp dụng mức phạt 2% nếu trả trước trong năm đầu, các năm sau 1%. Còn nếu trả chậm cũng bị phạt từ 2% trở lên.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho biết, vay vốn mua ôtô cần phải xác định đây là khoản vay có thời hạn dài, vì vậy thu nhập cần ổn định và bền vững hãy nên vay. Nếu không đủ khả năng trả nợ, để khoản vay rơi vào nợ xấu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, sẽ đến lúc ôtô bị ngân hàng tịch thu và khoản vốn cộng lãi đã trả trước đó cũng không còn.

Theo Theo VietNamNet