Các báo lớn của Thái Lan đều khẳng định ngoài Thái Lan và một phần nào đó là Việt Nam thì VAR vẫn còn rất xa lạ với phần còn lại của Đông Nam Á. “Bởi lẽ, ngoài một vài quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt, đảm bảo được các yêu cầu của VAR thì phần lớn các quốc gia khác rất khó có thể triển khai”, SMM Sports nhận định.
AFF Cup 2022 sẽ áp dụng thể thức thi đấu mỗi đội đăng cai 2 trận sân nhà. Do vậy, công nghệ VAR nếu được áp dụng sẽ phải lắp đặt ở toàn bộ 10 quốc gia tham dự giải đấu năm nay. Đây là điều gần như không thể và BTC giải cũng không thể sử dụng chính sách một vài nước lắp đặt VAR còn một vài nước thì không.
Điều này dẫn tới lo ngại rằng Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á khó có thể tiến thêm một bước để đưa VAR vào thực tế, như tham vọng của họ trước đây. Tuy nhiên, khi nhìn ra các giải đấu của các khu vực khác thuộc châu Á thì việc AFF Cup không có VAR cũng là điều rất bình thường.
Các trận đấu tại Cúp Tây Á chưa thể áp dụng VAR |
Bởi các sự kiện bóng đá tương đương với AFF Cup đều không có VAR. Đầu tiên là Cúp Tây Á (WAFF Championship). Tại lần tổ chức gần nhất vào năm 2019, Iraq là quốc gia đăng cai. Với một đất nước bất ổn về an ninh như Iraq, việc tổ chức suôn sẻ các trận đấu cũng đã là một thành công lớn, nên khó có thể mong đợi họ đưa VAR vào áp dụng.
Thực tế là rất nhiều trận đấu tại Cúp Tây Á 2019 diễn ra trên các sân bóng có điều kiện hạn chế, sân đấu bé, mặt cỏ chất lượng kém. Do vậy, cũng không nhiều người nghĩ về VAR, khi họ đã có quá nhiều thứ để bận tâm.
Tương tự là Cúp Vùng Vịnh (Arabian Gulf Cup). Giải đấu này chỉ có thể hạ quyết tâm áp dụng VAR ở lần tổ chức sắp tới vào đầu năm 2023.
Với Cúp Nam Á (SAFF Championship) thì trong lần gần nhất diễn ra vào năm 2021, Maldives là quốc gia đăng cai. Với một nền bóng đá có thứ hạng thấp bậc nhất thế giới, giải VĐQG chỉ có 8 đội và sân bóng còn không đạt chuẩn FIFA, thật khó để Maldives có thể tiếp cận với một thứ xa xỉ như VAR.
VAR mới chỉ xuất hiện ở các giải đấu cấp AFC |
Trận chung kết giữa Ấn Độ và Nepal được diễn ra ở sân trung tâm tại Maldives. Nhưng sức chứa của các khán đài cũng chỉ hơn 1 vạn CĐV, trong khi đó mặt sân thì chẳng khác nào mặt ruộng. Với điều kiện tổ chức như thế, người ta cũng khó có thể nghĩ về VAR.
Đến một giải đấu vốn có công tác tổ chức, sân bãi tốt nhất châu lục là Cúp Đông Á (EAFF Championship), VAR cũng chưa hề xuất hiện. Tại sự kiện vừa diễn ra ở Nhật Bản, nơi VAR đã được áp dụng từ lâu tại giải VĐQG thì các trận đấu giữa Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc và đội chủ nhà lại không có VAR.
Với tất cả những gì đang diễn ra trên khắp các liên đoàn khu vực của AFC, có thể nói việc AFF Cup không thể áp dụng VAR cũng là không bất ngờ. Nhưng vẫn hy vọng trong tương lai gần, công nghệ hữu ích này sẽ đi vào thực tế để giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn.