Vấp nhiều chỉ trích, quần đảo Solomon nói sẽ không cho Trung Quốc mở căn cứ quân sự

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giữa nhiều phản ứng gay gắt của khu vực, lãnh đạo quần đảo Solomon hôm nay khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở đó, dù có kế hoạch ký một thoả thuận an ninh với Bắc Kinh.
Vấp nhiều chỉ trích, quần đảo Solomon nói sẽ không cho Trung Quốc mở căn cứ quân sự ảnh 1

Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. (Ảnh: Reuters)

Sau khi các quan chức của hai nước ký dự thảo thoả thuận an ninh, văn phòng của Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hôm nay khẳng định thoả thuận này sẽ không mời Trung Quốc đến mở căn cứ quân sự.

“Chính phủ hiểu tác động về an ninh nếu cho phép mở một căn cứ quân sự, và sẽ không bất cẩn để cho phép một sáng kiến như vậy diễn ra”, thông cáo khẳng định.

Thủ tướng Sogavare chưa cho công bố chi tiết thoả thuận an ninh với Trung Quốc, trong bối cảnh dư luận lo ngại vì dự thảo thoả thuận bị rò rỉ cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc sẽ được phép vào quần đảo này để tái nạp. Hai bên chưa chính thức ký thoả thuận.

Khi được hỏi về phát biểu mới nhất từ quần đảo Solomon, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “điểm khởi đầu” của thoả thuận an ninh là để bảo đảm an toàn và an ninh cho người dân.

“Nó không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào. Những phát biểu và suy đoán trên báo chí đều là vô căn cứ”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/4.

Hầu hết khu người Hoa gần Honiara, thủ đô của quần đảo Solomon, bị phá huỷ trong đợt biểu tình chống chính phủ vào tháng 11 năm ngoái.

Ngày 31/3, lãnh đạo Micronesia thúc giục quần đảo Solomon chớ ký thoả thuận an ninh với Trung Quốc vì lo ngại Thái Bình Dương sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

New Zealand cũng đã cảnh báo về thoả thuận này, cho rằng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hợp tác an ninh của khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hôm nay nói rằng ông tôn trọng quan điểm của Thủ tướng Sogavare, nhưng thúc giục thận trọng.

Trung Quốc đã thiết lập 20 điểm hiện diện quân sự trên Biển Đông, dù hứa không quân sự hoá vùng biển này. Canberra sợ rằng Bắc Kinh sẽ làm điều tương tự với các đảo ở nam Thái Bình Dương, Bộ trưởng Dutton nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Sky News.

“Họ muốn một cảng quân sự ở Papua New Guinea. Họ đã có một cảng ở Sri Lanka, và họ rõ ràng đang tìm kiếm một nơi khác nữa để làm tương tự”, ông Dutton nói.

Năm 2018, Trung Quốc đề xuất tái phát triển một cảng quân sự ở Papua New Guinea, nhưng nước láng giềng gần với Úc ở phía bắc quyết định để Canberra làm việc này.

Một công ty nhà nước của Trung Quốc đang điều hành cảng Hambantota của Sri Lanka theo hợp đồng 99 năm, dù Sri Lanka trước đó nói rằng cảng này không thể được dùng cho các mục đích quân sự của Trung Quốc.

Ông Dutton nói rằng một cảng quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Solomon sẽ khiến Canberra phải tăng đáng kể hiện diện quân sự ở khu vực, vì quần đảo này nằm rất gần Úc.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho rằng thoả thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc sẽ làm suy yếu ổn định ở khu vực.

“Chúng tôi không tin rằng các nước nằm ngoài gia đình Thái Bình Dương cần đóng vai trò an ninh ở đây”, bà Payne hôm nay nói với một đài phát thanh trong nước.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG