“Vào WTO, cuộc hội nhập thứ ba trong lịch sử”

“Vào WTO, cuộc hội nhập thứ ba trong lịch sử”
Hôm nay (7/11), Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Đây có thể xem là cuộc hội nhập lớn thứ ba trong lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận.
“Vào WTO, cuộc hội nhập thứ ba trong lịch sử” ảnh 1

"Chắc chắn trong cuộc hội nhập này sẽ có nhiều thử thách, nhưng đó sẽ là một môi trường để chúng ta trưởng thành."

Thưa ông, dưới góc nhìn của sử học, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện hôm nay?

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, đây là cuộc hội nhập thứ ba trong lịch sử Việt Nam.

Hai cuộc hội nhập trước là…

Đó là cách đây gần hai thiên niên kỷ, khi chúng ta bị hội nhập với Trung Hoa. Hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc đã tạo ra cho chúng ta một bản lĩnh dân tộc, vừa biết tiếp nhận văn minh của Trung Hoa, biến nó trở thành một phần tài sản của mình, một phần sức mạnh của mình nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Những nhà nghiên cứu nước ngoài khi nghiên cứu Việt Nam họ thấy có một hình tượng rất thú vị: Trong khi người Việt Nam chấp nhận dùng chữ Hán để làm chữ viết hàng nghìn năm để chuyển tải tư tưởng của dân tộc, nhưng người ta vẫn giữ tiếng nói của mình. Từ đó có thể thấy rõ một bản lĩnh là vừa biết tiếp nhận vừa giữ được bản sắc.

Lần hội nhập thứ hai của dân tộc ta gắn với quá trình xâm lược của thực dân Pháp, bị biến thành thuộc địa, nhưng đồng thời lại gắn với một ý nghĩa là chúng ta hội nhập với một thế giới ngoài Trung Hoa. Trước đó chúng ta chỉ biết mỗi Trung Hoa thôi.

Ông cha ta đã nhận ra rằng bên cạnh yếu tố thực dân, chúng ta phải đấu tranh giành độc lập, thì nền văn minh phương Tây là một nguồn lực mới. Cho nên phong trào Duy Tân cách đây một trăm năm chính là cuộc hội nhập thứ hai.

Chính trong cuộc hội nhập thứ hai ấy mà chúng ta tiếp cận văn minh của một thế giới mới, và chúng ta đã thành công. Trong cuộc hội nhập này chúng ta vẫn giữ được bản sắc của mình. Chính vì thế mà chúng ta thành công trong cách mạng, trong suốt thế kỷ vừa giành độc lập vừa bảo vệ độc lập.

Công cuộc Đổi Mới của chúng ta cũng gắn liền với quá trình chúng ta hội nhập với thế giới từng bước. Và đến thời điểm này, sự kiện gia nhập WTO là sự khẳng định chúng ta đã hội nhập một cách toàn diện với thế giới mới.

Và trong lần hội nhập này, vị thế của chúng ta đã hoàn toàn khác…

Đúng là hoàn toàn khác. Chúng ta chủ động hội nhập. Cho dù hội nhập là tất yếu nhưng chúng ta vẫn chủ động. Và chắc chắn trong cuộc hội nhập này sẽ có nhiều thử thách, nhưng đó sẽ là một môi trường để chúng ta trưởng thành.

Tôi nghĩ rằng những bài học truyền thống sẽ có cơ hội phát huy. Bản lĩnh trong quá khứ hoàn toàn có cơ hội để phát huy. Chính lịch sử đã cho thấy dân tộc mình là dân tộc có được năng lực hội nhập rất cao.

Đây là cuộc hội nhập thứ ba trong lịch sử. Có thể xét về tầm vóc sự kiện không, thưa ông?

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đó là một quá trình. Có thể nói cuộc hội nhập lần này rất quan trọng vì chúng ta bước vào thế giới một cách toàn diện. Dẫu sao nữa thì thế kỷ vừa qua chúng ta vẫn có những hoàn cảnh riêng của mình, do chúng ta phải chống thực dân, do chiến tranh, do chúng ta phải tiếp nhận những tư tưởng khác nhau, tìm tòi trong đó.

Còn bây giờ là cơ hội để chúng ta vào cuộc. Tôi cho rằng với sự kiện này, càng sau này chúng ta càng ý thức được giá trị của nó.

Thời gian qua, việc Việt Nam gia nhập WTO thường chủ yếu chỉ nhìn nhận dưới giá trị kinh tế. Vậy còn những giá trị khác thì sao?

Chúng ta thấy vấn đề rất biện chứng. Nó là vấn đề kinh tế. Nhưng đừng nghĩ kinh tế chỉ là kinh tế. Ở thời đại này kinh tế phản ánh tất cả, là cả chính trị và văn hóa nữa.

Theo Trịnh Minh Đức
TBKTVN

MỚI - NÓNG