Vào vùng chiến sự cứu người mình

Vào vùng chiến sự cứu người mình
TP - Ngày 27/7, trong khi hàng đoàn xe chen chúc nhau đi lánh nạn  khỏi cuộc chiến tại Libăng, thì một người đàn ông Việt Nam làm điều ngược lại - thuê xe ôtô đi tới vùng nguy hiểm để cứu đồng bào mình…

Trời hửng sáng, tôi lại lao đi để làm cái công việc mà mình đã thực hiện trong những ngày qua là tìm đến từng nhà, nơi các chị em VN đang mòn mỏi trông chờ.

Chúng tôi chỉ đưa họ vào danh sách người Việt tại Libăng khi đã gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà gia chủ của họ. Điều này lý giải tại sao danh sách người Việt tại Libăng của chúng tôi ít hơn so với công bố của cơ quan ngoại giao.

Một buổi sáng, dù đã rất cố gắng, nhưng tôi cũng chỉ có thể đến nhà chị Phòng, Điệp và Nga ở vùng ngoại ô Beirut, nơi chỉ cách đây ít giờ hàng tấn bom từ máy bay Israel đã trút xuống. Và trong danh sách người Việt tại Libăng có thêm tên của 3 chị. Sống xa Tổ quốc hàng ngàn cây số, giữa bom đạn, khó có thể diễn tả hết sự vui mừng của các chị.

Hoàng Minh Trung, quê Hải Phòng, là một trong hai đầu mối VN tại Libăng.

Anh sang Libăng cách đây 10 năm và hiện đang làm việc cho một Cty xuất khẩu lao động.

Trong số hơn 150 người Việt tại Libăng, có 4 chị ở vùng nguy hiểm, bị không quân Israel đánh phá dữ dội, nhưng trước ngày 27/7 mới chỉ có chị Lê Thị Xoa tới Beirut an toàn.

“Trở về” vừa là điều mong mỏi nhất, nhưng gây hoang mang nhất đối với các chị. Tôi cũng không biết phải giải thích thế nào. Làm việc lâu năm nên các gia chủ ở đây đều rất quý mến lao động VN, xem họ như người trong nhà nên không ngăn cản việc sơ tán.

Tuy nhiên, điều gia chủ và lao động VN lo ngại là nếu sơ tán sang Syria rồi sẽ trở về bằng cách nào trong khi hầu hết đều tay trắng. Tôi đã giải thích rằng, IOM cam kết trang trải mọi chi phí, nhưng gia chủ vẫn nghi ngờ vì thực ra đến nay vẫn chưa có văn bản bảo đảm với họ điều đó. Đây cũng chính là điều hầu hết người Việt ở Libăng lo lắng, băn khoăn.

Đến trưa 27/7, đại diện của VN là ông Trần Việt Tú vẫn còn ở Syria để lo chỗ ăn nghỉ cho người Việt mình khi sơ tán từ Libăng sang. Các nhân viên Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đã liên lạc với chúng tôi từ trưa 25/7.

Hơn 100 chị em người Việt đã được thông báo kế hoạch trở về và sau đó là những ngày chờ đợi thật nặng nề. IOM và cả chúng tôi đều phải chờ cán bộ từ Đại sứ quán VN tại Ai Cập đến Beirut để cùng bàn kế hoạch sơ tán.

Chạy đua với bóng tối   

Vào vùng chiến sự cứu người mình ảnh 1
Một góc Beirut sau đợt ném bom của Israel

Tạm biệt các chị Phòng, Điệp, Nga, tôi không trở về nhà mà quyết định thuê xe tới thung lũng Bekaa, giáp biên giới với Syria và là khu vực bị bom đạn Israel tàn phá dữ dội nhất trong những ngày qua.

Tại đây, chị Hoàng Thị Tuyết và Đinh Thị Phương đang bị kẹt lại. Hai chị chỉ ở cách nhau vài cây số. Hơn 150 USD với chiếc xe cũ nát trên đoạn đường gần 100 km.

Khởi hành từ trưa, nhưng đến 14h30 xe của chúng tôi mới đi được nửa đường. Đường từ Beirut đến thung lũng Bekaa bị tắc nghẽn bởi từng đoàn xe chen chúc nhau đi sơ tán trước khi trời tối.

Mọi người đều hốt hoảng và sợ hãi khi truyền đơn từ máy bay Israel rải xuống cảnh báo, bom và tên lửa có thể tấn công vào những đoàn xe đi trên đường.

Tôi tranh thủ gọi điện cho chị Đinh Thị Phương đang bị kẹt ở thành phố miền Nam Sedon và gia chủ đồng ý đến bàn bạc để cho chị lên Beirut để chuẩn bị trở về nước.

Đã hơn 15h chiều, chỉ còn cách nơi ở của chị Tuyết, Lan chừng 20 km, nhưng tôi không còn cách lựa chọn nào khác là quay lại. Đường phía trước tắc nghẽn và các xe đều quay trở lại. Truyền đơn của Israel khiến mọi người thực sự hoảng sợ.

Tôi quyết định rẽ sang đường đi tới Sedon để đón chị Đinh Thị Phương… Đường vắng hơn bởi ai cũng sợ bom, tên lửa Israel tấn công vì bóng tối sắp ập đến.

16h30, tôi tìm được nhà gia chủ chị Phương. 17h tôi vội vàng lên xe trở về Beirut mà không thể đưa chị Phương đi theo. Nhà chủ nhất quyết chỉ cho chị đi khi cán bộ ngoại giao VN trực tiếp đến, làm cam kết hoặc thủ tục nào đó đảm bảo đưa chị trở về nước an toàn.

Họ nói thẳng rất sợ tôi đưa chị Phương đi khỏi nhà họ, nhưng không đưa chị về VN. Việc tập trung người Việt mình để chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán khó hơn chúng tôi tưởng. Các gia chủ đều không tin tưởng khi chưa có sự hiện diện và bảo đảm của cán bộ ngoại giao VN, trong khi chị em tâm trạng vô cùng bối rối và lo lắng.  

Đoàn cán bộ Việt Nam đã có mặt ở Beirut

Chiều tối 27/7, đoàn cán bộ VN, do ông Trần Việt Tú, Tham tán ĐSQ VN tại Ai Cập, dẫn đầu đã có mặt ở thủ đô Beirut (Libăng) sau chuyến hành trình vất vả, nguy hiểm bằng đường bộ từ Syria.

Tại Beirut, các đầu mối người Việt đã bố trí chỗ ở cho đoàn cán bộ VN trong khách sạn. Vào lúc 18h30 giờ địa phương (tức 22h30 giờ Hà Nội), ông Trần Việt Tú, đại diện Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và các đầu mối người Việt đã có cuộc gặp đầu tiên để thông báo tình hình. Tuy nhiên, kế hoạch sơ tán cụ thể cho người VN trong những ngày tới phải hôm nay mới được quyết định. 

Công dân nhiều nước có cơ quan ngoại giao tại Beirut đã bắt đầu được IOM cho di tản bằng xe buýt tới Syria. Tuy nhiên, thông tin từ hội sở của IOM tại Geneva (Thụy Sĩ) xác nhận, đến hết ngày 27/7 vẫn chưa thể lên kế hoạch cụ thể để sơ tán công dân VN tại Beirut.

Chị Jemini Pandya, cán bộ truyền thông của IOM, cho biết tổ chức này vừa lên kế hoạch di tản thêm hơn 1.000 công dân Bangladesh, Sri Lanka, Philippines, Ghana trong 4 ngày (27 – 30/7).  

Hạnh Diễm
Ghi theo lời kể của anh Hoàng Minh Trung

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.