Vào viện…luyện giọng

Bệnh nhi Trần V.T. đang được điều dưỡng Bùi Thị Duyên dạy cách phát âm. ảnh: L.N
Bệnh nhi Trần V.T. đang được điều dưỡng Bùi Thị Duyên dạy cách phát âm. ảnh: L.N
TP - Những âm thanh ngắt quãng, đôi khi lắp bắp và ngọng nghịu phát ra từ một căn phòng ở Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM khiến nhiều người tò mò. Đây là “phòng luyện giọng”- nơi 10-15 bệnh nhân bị rối loạn giọng do dậy thì, do hạt dây thanh, liệt dây thanh, nói ngọng và nói lắp, khó phát âm…đến trị liệu mỗi ngày.

Bác sĩ thành... cô giáo

“Con đọc theo cô nhé! “L”. “Lá”. Rồi. Con đọc tiếp “P” nhé! “Phở”” - giọng điều dưỡng Bùi Thị Duyên- công tác ở phòng luyện giọng của khoa Nhi tổng hợp, BV Tai Mũi Họng TPHCM nhỏ nhẹ khi dạy nói cho bệnh nhi Trần V.T, 8 tuổi ở TPHCM bị bệnh rối loạn âm thanh lời nói. 

Khi T. khó đọc từ này, điều dưỡng Duyên đưa hình ảnh một chiếc lá lên trước mặt rồi T. đọc “lá” theo hình ảnh. Đã 6 tháng nay, điều dưỡng Duyên miệt mài mỗi tuần một buổi, dạy cho T., bằng nhiều cách khác nhau như thế. 

Ở ngoài phòng đợi, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, mẹ của T. ngóng tai vào phòng cố gắng nghe thấy tiếng con phát ra. Dù mưa hay nắng, nhiều tháng qua, chị Tuyết đều đặn chở con đến để được các chuyên gia âm ngữ trị liệu. Cháu đã tiến triển tốt lên nhiều”- chị Tuyết khoe. 

“Thương nhất là bệnh nhân trị liệu giọng nói, vì phải điều trị dài ngày, khá tốn kém. Nhưng trị liệu giọng nói chưa được bảo hiểm y tế chi trả”.

Điều dưỡng Bùi Thị Duyên
Mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân bị rối loạn giọng dậy thì (nam nói giọng nữ hay nữ nói giọng nam), bị khàn tiếng do hạt dây thanh, polyp dây thanh, liệt dây thanh hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản vì ung thư và hàng nghìn trẻ bị rối loạn âm thanh lời nói (nói ngọng), chậm nói hoặc nói lắp (cà lăm) cần sự can thiệp từ âm ngữ trị liệu. 

Tìm đến phòng luyện giọng khi tuổi đã quá muộn để trị liệu nhưng Nguyễn Văn H, 14 tuổi ở TPHCM vẫn mang hy vọng một ngày không xa mình sẽ không còn bị ghẹo là người “nói ngọng có thương hiệu” nữa. 

Đến BV Tai Mũi Họng vào một ngày đầu tháng 5, H. được các bác sĩ nội soi thanh quản và kết luận bị “rối loạn âm thanh lời nói” mà dân gian gọi là nói ngọng. H. được đề nghị đưa vào danh sách luyện giọng.
Ngồi trong căn phòng vỏn vẹn 5m2, chỉ có H. và điều dưỡng trị liệu, H phải tập trung cao độ để nghe “cô giáo” giảng bài. 

“Lưỡi và môi của con đặt không đúng chỗ nên con phát âm sai. Đơn giản, cô sẽ có cách để dạy cho con cách đặt lưỡi và môi như thế nào để phát âm chuẩn nhất”- điều dưỡng mở đầu, và lấy chiếc gương soi đặt sát trước mặt H. sau đó bắt H. phát âm chữ “B” và chữ “P”, những chữ mà H. phát âm sai. “Khi phát âm chữ “P” thì thổi hơi ra nhiều nên làm gương bị mờ. Còn ngược lại, chữ “B” thì không cần hơi nhiều và gương không bị mờ”- điều dưỡng Bùi Thị Duyên nói. 

Bên phòng số 6 cũng là nơi để các chuyên gia âm ngữ trị liệu luyện giọng cho bệnh nhân. Ở đây chỉ dành cho người lớn. Sau cắt thanh quản toàn phần vì ung thư, ông Hồ Ngọc A, 54 tuổi không nói được như trước. 

Không dễ lấy lại giọng nói cho những bệnh nhân như ông A. Bác sĩ Trần Thị Thu Trang - Khoa Nhi Tổng hợp, một trong số chuyên viên âm ngữ trị liệu đang theo học khóa ngữ âm trị liệu từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường hợp như vậy các chuyên viên phải hướng dẫn cho bệnh nhân dùng thực quản để phát âm. “Những bệnh nhân này phải luyện giọng với thời gian khá dài, có khi kéo dài nhiều năm” - bác sĩ Trang nói.

Luyện giọng vì…nói nhiều

Không nói được là một mất mát quá lớn của con người trong cuộc sống. Nhưng có những người lại quá đau khổ vì nói nhiều. Ca sĩ, giáo viên, nhân viên bán hàng, phát thanh viên hay MC là những người luôn thường trực trở thành “khách hàng” của phòng luyện giọng. “Ca sĩ hát nhiều, giáo viên phải đứng lớp thường xuyên, còn MC cũng nói nhiều không kém, thậm chí hò hét nữa nên họ rất dễ bị tổn thương giọng. Những trường hợp này thường dễ bị hạt dây thanh, đó là xuất hiện nốt xơ chai trên 2 dây thanh do chạm nhau quá mức”- bác sĩ Trang cho hay.

Trong danh sách luyện giọng ở BV Tai Mũi Họng đã có khá nhiều bệnh nhân là giáo viên, ca sĩ và MC. Cách đây một năm chị Nguyễn Thị Hoài, giáo viên trường THCS Nguyễn Thái Sơn, quận 3 phải vào BV Tai Mũi Họng sau khi tắt tiếng, bởi tắt tiếng thì sự nghiệp trồng người cũng …tắt. Kết quả sau nội soi thanh quản, các bác sĩ phát hiện chị Hoài bị hạt dây thanh. 

“Bác sĩ bảo có hai cách trị, hoặc là luyện giọng hoặc phải phẫu thuật”- chị Hoài kể. Chị Hoài đã xin nghỉ dạy một thời gian để đi luyện giọng. Sau hơn 1 tháng kiên trì luyện tại BV Tai Mũi Họng, giọng chị đã phục hồi lại nhưng theo các bác sĩ, chị cần tiếp tục duy trì chế độ chăm sóc giọng nói hằng ngày để bảo vệ nó. 

Bác sĩ Thu Trang cho rằng luyện giọng đem lại hiệu quả rất tốt đối với những trường hợp bị hạt dây thanh. Mặc dù người bệnh phải mất nhiều thời gian và công sức, nhưng theo chuyên gia âm ngữ trị liệu, chỉ với luyện giọng, bệnh nhân có thể cải thiện giọng nói đến 90% mà không cần phẫu thuật như trước đây.

“Các chuyên viên luyện giọng sẽ hướng dẫn bệnh nhân những bài tập và kỹ thuật nhằm tạo ra giọng nói không gắng sức, tức không làm tổn thương dây thanh âm. Ngoài ra, bệnh nhân còn được cung cấp một chế độ chăm sóc giọng nói nhằm duy trì giọng nói khỏe mạnh về sau” - bác sĩ Trang cho biết. 

“Mình cảm thấy mất hết hi vọng trong cuộc sống khi phát hiện bị khàn giọng vì hạt dây thanh. Lúc ấy cứ nghĩ sự nghiệp ca hát sẽ chấm dứt”- ca sĩ Q.V, tâm sự với bác sĩ. Rất nhiều ca sĩ, MC đều bi quan về giọng nói của mình khi được chẩn đoán hạt xơ dây thanh. Nhiều người đã nghĩ đến kết cục… bỏ nghề nhưng bác sĩ Thu Trang cho biết “không đến nỗi bi quan như vậy”.

Nhu cầu cao

Khi mà ngành âm ngữ trị liệu hiện còn được ít người biết đến thì BV Tai Mũi Họng TPHCM đã có 5 chuyên viên âm ngữ trị liệu (gồm 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng) được đào tạo theo chương trình Âm ngữ trị liệu của Úc.

Năm 2010, khi BV Tai Mũi Họng hợp tác với Tổ chức phi chính phủ Trinh Foundation, Úc và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai chương trình ngữ âm trị liệu, 3 điều dưỡng chuyên khoa tai mũi họng của bệnh viện đã tham gia khóa đào tạo đầu tiên. Hai năm sau, họ tốt nghiệp. Năm 2012, bệnh viện có thêm một bác sĩ và một điều dưỡng nữa cũng được tham gia khóa đào tạo này. 

Ngày càng có nhiều người muốn trị liệu giọng nói, đó là ghi nhận của BV Tai Mũi Họng TPHCM. Nơi đây, mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân được chỉ định luyện giọng và hàng trăm người khác chờ được trị liệu. “Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và ít phổ biến tại nước ta”- bác sĩ Trang nói về ngành âm ngữ trị liệu - “Số bệnh nhân cần điều trị âm ngữ trị liệu lại rất lớn. Tôi ước mơ sao trong tương lai gần, các trường đại học Y khoa trong nước sẽ sớm mở được ngành Âm ngữ trị liệu để đáp ứng nhu cầu và giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân” - bác sĩ Trang nói.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".