Vàng trong nước sáng nay lại giảm mạnh về dưới 47 triệu đồng/lượng. |
Trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá vàng SJC lúc 09 giờ 25 mua vào 46,60 triệu đồng/lượng, bán ra 46,73 triệu đồng/lượng. Vàng miếng hiệu SBJ của công ty vàng bạc đá quý ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cùng thời điểm trao đổi với giá là: 46,56– 46,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Hà Nội, vàng miếng hiệu rồng Thăng Long của công ty Bảo Tín Minh Châu lúc 09 giờ 31 mua – bán tương ứng là 46,55– 46,82 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm qua, giá vàng trong nước hiện giảm khoảng 320.000 đồng/lượng trên giá bán.
Áp lực bán vàng chốt lời của giới đầu tư quốc tế, đồng USD tăng, trong khi dầu thô và nhiều loại hàng hóa khác đều hạ đã khiến giá vàng thế giới giảm mạnh trong suốt phiên giao dịch đêm qua tại thị trường Mỹ và kéo dài cho đến phiên sáng nay tại châu Á.
Khép phiên giao dịch đêm 19-9 tại New York (Mỹ), vàng giao sau tháng 12 giảm 35USD, còn 1.779,70USD/Oz, trong khi vàng giao ngay hạ 35,60USD, còn 1.777,50USD/Oz.
USD hôm qua tăng mạnh, do giới đầu tư bán euro cũng như các loại tài sản liên quan đến tiền tệ này để chuyển sang nắm giữ USD, do lo ngại về tình trạng khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với sáu loại tiền tệ cơ bản khác tăng lên 77,089 từ mức 76,614. Euro giảm, đưa tỷ giá EUR/USD hạ còn 1,3685.
Thống kê của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ cho biết các hợp đồng bán euro đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 6-2010 đến nay. Chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi năm phiên tăng liên tiếp, đưa các chỉ số chính như Dow Jones, S&P 500 lần lượt hạ. Dầu thô tương lai tiếp tục giảm, với dầu ngọt, nhẹ giao tháng 10 tại Mỹ giảm 59 cent, còn 85,11USD/thùng.
Các bộ trưởng tài chính khu vực châu Âu cuối tuần qua cho biết gói hỗ trợ trị giá 8 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD), thuộc kế hoạch cứu trợ tài chính công bố hồi năm ngoái, sẽ bị trì hoãn cho đến đầu tháng 10.
Bộ trưởng tài chính Hy Lạp cũng bày tỏ lo ngại rằng yếu tố quyết định chính là việc Hy Lạp phải nỗ lực thực hiện một số biện pháp để đạt được mục tiêu tài chính trong năm 2011 và 2012, tránh để khủng hoảng nợ trong nước nói riêng và toàn khu vực nói chung diễn biến xấu hơn.
Theo thống kê của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương tại khu vực Eurozone đã mua 0,8 tấn vàng để bổ sung nguồn quốc khố. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, các ngân hàng này chỉ thực hiện các giao dịch mua vàng, mà không bán ra, trong khi doanh số bán vàng trung bình từ năm 1999 đến năm 2010 đạt gần 400 tấn.