Vàng rời mốc 47 triệu đồng/lượng

Vàng rời mốc 47 triệu đồng/lượng
TPO - Cuối buổi sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt giảm về dưới 47 triệu đồng/lượng. Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận mua – bán tương ứng là 46,48 – 46,73 triệu đồng/lượng.
Vàng rời mốc 47 triệu đồng/lượng ảnh 1

Hệ thống Sacombank niêm yết giá vàng miếng hiệu SBJ còn 46,6 triệu đồng/lượng trên chiều mua vào và 46,9 triệu đồng/lượng trên chiều bán ra. Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cuối buổi sáng còn 46,48 – 46,83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra, giá áp dụng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh).

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (Hà Nội) công bố giá vàng SJC mua vào 46,65 triệu đồng/lượng, bán ra 46,83 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh trong năm nay là 47,35 triệu đồng/lượng (giá vàng SJC đạt được hôm thứ sáu tuần trước), vàng hiện giảm hơn 500.000 đồng/lượng

Vàng thế giới đầu tuần mới ít biến động. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, vàng giao ngay tăng 4,93USD lên 1.774,39USD/Oz còn vàng giao tháng 12 tại Mỹ tăng 0,24% lên 1.776,9USD/Oz.

Đóng cửa ngày 15-9, vàng thế giới đã kết thúc tuần tăng giá thứ tư liên tiếp, do nhà đầu tư lẫn đầu cơ tăng cường mua vàng đề phòng rủi ro lạm phát quay trở lại, ngay sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục “bơm” tiền để kích thích kinh tế phục hồi.

Nhóm chuyên gia phân tích của hãng tin Reuters (Canada) cho rằng, dù hai ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã công bố kế hoạch kính thích tài chính mới, nhưng kinh tế thế giới vẫn cần thêm nhiều thời gian hơn để phục hồi, do chịu ảnh hưởng kép từ khủng hoảng tài chính tín dụng từ năm 2008 và khủng hoảng nợ từ năm 2010.

Chuyên gia George Gero, phó chủ tịch cao cấp của quỹ đầu tư RBC Wealth Management (Hoa Kỳ) trong một email gửi tới các khách hàng đã nhận định “khả năng sẽ xảy ra một đợt chốt lời” sau khi vàng đã phục hồi 2,2% đạt mức cao nhất từ cuối tháng hai đến nay.

Vàng có thể hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ tài chính mới của FED. Đầu tiên, hoạt động thanh khoản tăng có thể làm đồng USD mất giá, khiến mọi người dễ dàng sở hữu các loại tài sản được định giá bằng USD, trong đó có vàng. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với sáu loại tiền tệ quốc tế khác hiện đã giảm 0,3% lên 68,998.

Thứ hai, nỗ lực của ngân hàng trung ương tăng nguồn tiền vào hệ thống tài chính đã làm nhen nhóm nỗi lo ngại lạm phát, khiến nhiều người có xu hướng chuyển sang các loại tài sản giữ được giá trị như kim loại quý.

Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào rõ ràng về điều đó, sau những hành động gần đây của FED. Cuối năm 2010, khi FED công bố chương trình hỗ trợ kinh tế lần hai (QE2), nhu cầu mua vàng vật chất cũng không tăng cao như mong đợi. Trên thực tế, tổng lượng vàng dự trữ tại quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust đã giảm từ 1.293,1 tấn xuống 1.280,72 tấn trong khoảng thời gian từ ngày 1-11 đến cuối năm 2010.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố là 20.828. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20.830 – 20.870 (mua vào – bán ra).

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.