Cụ thể, vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, niêm yết lúc 11 giờ 20, là 44,3 – 44,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Hệ thống Sacombank công bố giá trao đổi vàng miếng hiệu SBJ cùng lúc là 44,37 – 44,47 triệu đồng/lượng.
Lúc 11 giờ 15, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 44,3 triệu đồng/lượng trên giá mua và 44,5 triệu đồng/lượng trên giá bán.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (Hà Nội) công bố giá vàng SJC cùng thời điểm còn 44,39 – 44,49 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng chưa có dấu hiệu tăng trở lại, trong bối cảnh giá dầu thô và đồng euro đều suy yếu.
Vàng giao ngay sáng nay dao động nhẹ quanh mức 1.655,41USD/Oz, giữ khoảng cách tương đối nhỏ so với mức cao nhất trong 4,5 tháng là 1.676,45USD/Oz đạt được hôm đầu tuần. Vàng tương lai giao dịch tại Mỹ đạt 1.658,1USD/Oz.
Các chuyên gia của hãng tin Reuters (Canada) cảnh báo, vàng có thể bị bán chốt lời mạnh nếu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) không công bố thêm các thông tin liên quan đến chương trình hỗ trợ kinh tế lần thứ ba, bởi các dự đoán giữa việc có hay không gói QE3 (nới lỏng số lượng 3) vẫn là 50-50.
Hơn nữa, các yếu tố cơ bản hỗ trợ cho kim loại quý là euro và dầu thô đều quay đầu giảm.
Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD tăng so với các loại tiền tệ khác, bao gồm cả đồng euro, đưa tỷ giá EUR/USD giảm còn 1,2517. Dầu thô giảm ngày thứ ba, với các hợp đồng dầu ngọt, nhẹ giao sau tại Mỹ mất 0,9% còn 94,62USD/thùng.