Tôi có thời gian 40 năm làm phim tài liệu (công tác tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương) sống tại khu tập thể Điện ảnh trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Về hưu, tôi về lại quê hương Hải Phòng, vẫn tiếp tục làm phim. Giờ tôi đang nhớ lần đầu tiên vào Đà Nẵng.
…Trên đỉnh đèo Hải Vân, thắp hương cho mấy ngôi mộ ven đường, không biết là ai. Nhìn xuống biển, chỉ thấy mênh mông sóng bạc đầu. Qua Vũng Rô nước trong xanh. Đáy biển có một xác tàu không số. Nhớ thơ hoài cảm của Trần Quý Cáp (1870- 1908), ngang qua Đà Nẵng khi đi thi Hội ở Huế về: “An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/Lập lại Đằng Giang vĩ đại công” (Ước chi nay có Trần Hưng Đạo/Lập lại Đằng Giang trận thứ hai). Thơ cụ Cử Cáp mà nghe như mong muốn gần một trăm năm sau của các nhà thơ thời chống Mỹ viết về tàu không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Xe xuôi đèo Hải Vân ngoằn ngoèo đổ về thành phố Đà Nẵng. Xa xa, bán đảo Sơn Trà và bãi biển Non Nước mịt mù khói sóng.
Đà Nẵng là thành phố hiện đại dựng trên một nền đất cổ gắn với văn hóa Sa Huỳnh cách đây 3.000 năm. Qua nghĩa trang đồ sộ ở đầu thành phố, tôi lại nhớ những mộ chum cổ ở Sa Huỳnh. Bật cười, nhớ nhà thơ Thanh Thảo có lần thổ lộ với tôi: Mình cũng ở mộ chum mà ra! Cư dân ban đầu của Đà Nẵng có lẽ là người Chăm một thời phát triển rực rỡ. Bao nhiêu cung điện đền đài, thành quách uy nghi, tráng lệ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 13 nay vẫn còn dấu tích và nhiều hiện vật còn trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, một tòa nhà xây theo kiểu Tháp Chàm từ năm 1915.
Tôi mê mẩn trước 300 tuyệt tác nguyên bản được trưng bày. Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đã khắc họa một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của những quốc gia Chăm Pa, trong đó có thời kỳ cực thịnh sáng chói nhất. Một bệ thờ bằng đá mà đến giờ tôi vẫn bâng khuâng. Trên bệ thờ Chăm, những đôi vú của vũ nữ Chăm thời xưa, đã lên nước bóng loáng vì bàn tay triệu du khách ve vuốt động vào để cầu may. Sự ngưỡng mộ trước Cái Đẹp đã trở thành linh thiêng!
Trong tiến trình lịch sử, thành phố Đà Nẵng được tạo lập trên con đường phát triển của nhiều thế hệ người Việt cho đến bây giờ. Tôi vào Đà Nẵng đúng mùa lễ hội khoảng giữa tháng 2 Nguyệt lịch. Chùa Quán Thế Âm nằm dưới chân núi Kim Sơn thuộc dãy Ngũ Hành Sơn. Đức Phật Quán Thế Âm được truyền tụng là nghe thấy tất cả những nỗi đau khổ của con người, cứu giúp mọi chúng sinh nghèo đói. Chúng tôi hòa vào với lễ hội để ghi hình. Trong hương khói mờ ảo của chùa, bà con làm lễ rước Ánh Sáng, năng lượng vũ trụ tuyệt đối thiêng liêng. Tôi vào động Tàng Chơn, nằm phía sau chùa Linh Ứng thuộc ngọn Thủy Sơn. Cửa hang Thiên Long Cốc có đường thông lên trời. Một luồng ánh sáng tuyệt vời, tôi không thể nào diễn tả nổi. Trải qua hàng nghìn năm nay, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, động Tàng Chơn được coi là động cứu giữ mọi chân lý của vũ trụ, luồng sáng kỳ ảo ấy dường như không thay đổi. Nó đến với mọi vật mãi mãi đến bây giờ.
Vào khoảng trung tuần tháng 3 Nguyệt lịch, bạn tôi ở Đà Nẵng rủ tôi đi quay phim lễ hội Cá Ông ở làng chài. Ở đây có miếu thờ một bộ xương Cá Ông (còn gọi là Cá Voi) rất to bị bão đánh dạt vào bờ biển của làng. Lễ hội Cá Ông ngày xưa là lễ hội lớn nhất của ngư dân Đà Nẵng. Lòng tôn kính bậc thần linh gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. Nhà nhà đều bày hương án ngoài sân để làm lễ cầu an. Ông từ vừa thắp hương cúng tế trong miếu thờ bộ xương Cá Ông vừa bảo tôi: “Tương truyền Cá Ông như có thần linh mách bảo, nhiều lần dìu ghe thuyền của ngư dân bị bão đánh dập ngoài khơi về đến bãi cá đầu làng. Dân làng tôi đời này sang đời khác thờ Cá Ông, vì Cá Ông sinh ra để cứu người chúng tôi thoát chết!”.
Sáng sớm hôm sau, dân làng làm lễ rước trên biển, nhộn nhịp những bộ quần áo tế lễ xanh đỏ rực rỡ. Dàn nhạc cổ rúc tù và, thổi kèn inh ỏi. Mặt trời mọc, luồng ánh sáng kỳ ảo lan dần, tỏa sáng các tàu thuyền treo cờ sặc sỡ kéo về trên bến để tham gia lễ hội. Tôi nghe thấy tiếng trống ì âm vọng ra từ miếu thờ, hay từ lòng biển… Tôi không biết nữa. Có lẽ là tiếng thì thầm của Cá Ông. Đà Nẵng trong tôi - một người làm phim tài liệu, âm thanh và ánh sáng là như thế đấy!
Tôi vào Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, nhiều lần đứng ngơ ngẩn trước tượng thần Shiva, vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo tưởng tượng ra nhịp điệu vũ trụ mà tôi chưa biết. Trần Kỳ Phương ở Bảo tàng Chăm nhắc tôi: “Ông phải đi Trà Kiệu, Thánh địa Mỹ Sơn, Kinh thành Sư Tử, Simhapura ngày xưa, chỉ cách Đà Nẵng hơn 60 cây số, nay đã thành hoang phế. Có bà già đi cắt cỏ đã nhặt được vàng...”.
Hồi còn trẻ, thú thực tôi cũng mê tìm vàng. Tôi đến Mỹ Sơn lần đầu tiên vào một buổi chiều, đứng trên gò cao, quay một toàn cảnh. Thung lũng hoang vắng, nhấp nhô tháp cổ, sương nhiều mờ nhạt, cảm giác hơi rờn rợn. Tôi đi loanh quanh, không thấy vàng đâu. Đốt ngọn nến vào bàn thờ thần Shiva thấy trống không lạnh lẽo. Những năm sau tôi lại vào Đà Nẵng, như người nhập đồng, tôi đi dọc khu V quay phim hết mọi tháp Chàm làm tư liệu. Tôi chẳng tìm thấy vàng bạc gì, nhưng ghi lại được những phế tích tuyệt đẹp. Sau này, tôi đem dựng thành bộ phim “Vũ nữ Trà Kiệu”, một trong các tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Càng về sau tháp Chăm càng hoang phế, điêu tàn, dù được khai thác du lịch tối đa. Tháp Chăm khắp miền Trung bây giờ không thể và không bao giờ còn vẻ đẹp như trong phim tôi đã quay. Đấy là những tư liệu quý hơn vàng.
Nay ở tuổi 76 tôi nhớ lại những năm 60 thế kỷ trước ở Hà Nội tôi hay vào chùa Quán Sứ nghe cụ Pháp sư, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám giảng Kinh. Nghe đâu cụ quê Điện Bàn (Quảng Nam), là người Phật học uyên thâm và đầy nhiệt tình mà tôi rất kính trọng. Một lần cụ bảo: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Vàng ở ngay trong nhà anh đấy, việc gì phải tìm”. Bạn tôi - nhà văn Thái Bá Lợi sống ở Đà Nẵng, theo sư thầy dịch bộ Kinh Bát Nhã Ba La mật dày hơn 600 trang, ra Hà Nội, nhờ tôi mua lấy một bộ. Tôi thấy bộ kinh dày quá không dám mua. Anh bảo tôi: “Ông cứ mua, để nhà ở, thỉnh thoảng giở ra đọc trang nào cũng được. Nó là báu vật ở trong nhà ông đấy!”. Tôi không nghe anh, ân hận mãi đến tận bây giờ!.
Tôi lại từng có dịp vào Đà Nẵng làm bộ phim tư liệu “Khu Năm với Bác Hồ”. Tướng Phan Hoan - Tư lệnh khu Năm nói với tôi: “Anh nên đến thăm anh Nguyễn Đôn, anh ấy dạo này đang bệnh!”. Tôi đến thăm Tướng Nguyễn Đôn ở một phố nhỏ Đà Nẵng, nghe anh kể biết bao nhiêu chuyện thời kháng chiến, viết gần xong kịch bản của cả bộ phim.
Bây giờ tôi mới hiểu: Hoá ra Vàng của Đà Nẵng ở trong mình thật mà mình không biết, mà trước kia cứ vơ vẩn đi tìm ở những chân tháp cổ. Những người Đà Nẵng mà tôi đã gặp mãi mãi là Vàng trong tôi, nó làm cho Đà Nẵng rực rỡ từng ngày. Tiếc thay, hơn thập kỷ rồi tôi chưa có dịp được vào Đà Nẵng. Tôi vẫn mong trở lại. Vẫn còn “máu” làm phim, lại vẫn tự mình viết kịch bản và lời bình như bấy lâu. Tôi cứ mong, dù lúc này, tôi không còn đủ sức khám phá hết Đà Nẵng hiện đại, thăm hết lại mọi chốn đã đi, lên đỉnh những ngọn núi Đà Nẵng nữa.
Nếu luân hồi có kiếp sau, tôi sẽ bắt chước bố tôi bán hết ruộng vườn ở quê nhà, bảo với mọi người: “Tôi đi Tourane!”. Và có lẽ tôi sẽ ở lại Đà Nẵng, không về nữa!.