Vang mãi lời thề quyết tử

Vang mãi lời thề quyết tử
Nhà hát lớn Hà Nội chiều 18/12, trời trở gió đông se se lạnh, gần hai trăm người lính già râu tóc bạc phơ trong bộ quân phục sờn màu, ngực chói ngời huy chương...  Ánh mắt họ rực sáng.
Vang mãi lời thề quyết tử ảnh 1
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.ảnh : TTXVN

Cũng đúng vào những ngày này 60 năm trước, dưới cái rét như cắt da, cắt thịt của mùa đông năm 1946 – một mùa đông mà vận mệnh Tổ quốc trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chính những con người này đã cùng nhau lập một lời thề mà mãi đến hàng trăm, hàng ngàn năm sau, trên mỗi trang sử của đất nước, âm thanh từ lời thề quyết tử của họ còn vang vọng mãi cùng non sông.

Họ là những chứng nhân lịch sử, những chiến sỹ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng.

60 năm đã trôi qua nhưng dường như không có gì bị lãng quên trong ký ức của những chiến sĩ cảm tử ấy. “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời - Hà Nội hồng ầm ầm rung - sông Hồng reo - thét lên xung phong...”.

Trong tâm khảm của những người con của Trung đoàn Thủ đô, cái ngày 19/12/1946 lịch sử ấy, họ như được sinh ra cùng nhau, rồi chết cùng nhau vì một tâm nguyện chung của cuộc đời.

Vang mãi lời thề quyết tử ảnh 2
19/12/1946 Thủ đô kháng chiến

Đó là hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. 86 mùa xuân, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trung đội trưởng chiến đấu khu Đông Kinh Nghĩa Thục, sau này là Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ trung đoàn Thủ đô vẫn háo hức ra tận cổng Nhà hát, bắt tay, hỏi thăm, cố nhớ lại từng khuôn mặt, từng giọng nói, từng nụ cười của những người chiến sỹ, đồng đội đã cùng ông hét vang lời thề bất hủ.

Bên cạnh ông, hai ba cụ già khác, mắt đỏ hoe, tay giơ cao bức ảnh đen trắng đã sờn mép vì thời gian in hình một chiến sỹ trẻ với dòng chữ: Ai biết thông tin Liệt sỹ.....ở đâu, xin vui lòng thông báo...

Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hàm bùi ngùi hồi tưởng: Trung đoàn Liên khu I chính thức được thành lập tháng 1/1947. Lực lượng nòng cốt là các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu gồm 2.000 người. Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải, chính uỷ Lê Trung Toản, tham mưu trưởng Hoàng Phương.

Với tinh thần "Quyết tử để tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Những chiến luỹ, ụ chiến đấu, chướng ngại vật được dựng trên khắp các phố phường; đục tường thông từ nhà này sang nhà khác tạo thành hào giao thông đặc biệt. Đường hào bí mật này là biểu tượng sáng tạo của quân dân thủ đô, tạo điều kiện vận động đánh địch, lập những ổ phục kích, những tổ bắn tỉa ở bất kỳ nơi nào trên đường địch tiến quân.

Trong cuộc chiến đấu anh dũng ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, những chiến sỹ của Trung đoàn đã lập nên những chiến công vang dội Bắc Bộ phủ, Sở Bưu điện, Ô Cầu Dền, Nhà dầu Shell (Khâm Thiên), Ô Chợ Dừa, nhà Sôva, Trường Ke, chợ Đồng Xuân...

Bằng máu, bằng bom ba càng, mìn tự tạo, xăng và trái tim kiên chung cùng dòng máu nóng của mình, những người con của Trung đoàn Thủ đô vẫn đánh giáp lá cà, lao vào tiêu diệt địch và hy sinh rất đỗi vẻ vang.

Lực lượng vô cùng chênh lệch, nhưng với tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", Trung đoàn Thủ đô đã làm nên những kỳ tích rực rỡ.

Vang mãi lời thề quyết tử ảnh 3
Các cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra trong từng khu phố

60 ngày đêm chiến đấu, sát cánh cùng vệ quốc đoàn, tự vệ là những công nhân, dân nghèo thành thị, thanh niên, học sinh, phụ nữ, thiếu niên, dù cầm chắc cái chết trong tay nhưng những cô bé, cậu bé “Ga-vơ-rốt” ngày ấy vẫn hiên ngang, mưu trí giam chân địch hơn 2 tháng, đủ thời gian cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút về căn cứ an toàn để chỉ huy cuộc kháng chiến.

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm đánh địch ở Hà Nội đã giành được thắng lợi vẻ vang, đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, như Bác Hồ đã khen ngợi: "Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng lợi".

Cảm phục trước tinh thần bất diệt đó, Bác Hồ kính yêu đã thay mặt Trung ương Đảng gửi thư khen cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn. Bức thư có đoạn viết: “...Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh...”

Cùng chia vui cùng những chiến binh, những nhân chứng lịch sử chiều nay có nhà sử học Dương Trung Quốc cùng mẹ của ông – bà quả phụ Dương Trung Hậu, người vợ trung kiên của một chiến sỹ quyết tử trong Trung đoàn Thủ đô đã anh dũng hy sinh trong trận đánh bảo vệ phố phường Hà Nội.

Vang mãi lời thề quyết tử ảnh 4
Bom ba càng sẵn sàng chờ xe tăng địch

Nói về những chiến sỹ cảm tử ngày ấy Ông Dương Trung Quốc xúc động: Những chú bé “Gavơrốt” trên đường phố Hà Nội năm xưa giờ dù đã vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng tinh thần và ý chí chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc của họ vẫn sáng mãi như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trong nước mắt, bà Dương Thanh Thúy, cựu giáo viên Trường Bưởi, cô em nuôi của Trung tướng Hoàng Phương, nguyên tham mưu trưởng Trung đòan Thủ đô năm xưa nghẹn ngào: Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của trung tướng Hòang Phương cắt làn bom đạn chỉ huy trận đánh chống thực dân pháp trong 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử năm ấy luôn hiện lên trong mỗi bài giảng, mỗi câu chuyện của bà với các thế hệ học trò....

Sự kiện "Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" trong 60 ngày đêm mùa đông 1946 không chỉ đọng lại trong ký ức những chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa mà đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất tử. Bản hùng ca về một mùa đông đã hòa trong hồn nước thiêng liêng và tạc vào sử xanh cứu nước để mỗi thế hệ chúng ta hôm nay trân trọng và ngưỡng mộ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.