Vàng độc thật

TP - 1 - Người xưa có câu: “Được bạc thì sang/ được vàng thì độc”. Độc hay không, không biết nhưng câu nói đó đeo nhẫn trong đầu người ta, cũng thật khó gỡ.

Bạc thì rẻ vàng thì đắt. Bạc có tính cản gió, vàng thì giá trị cao, bạc thì không mấy ai để ý, nhưng vàng dễ bị dòm ngó. Hay là độc ở đó?

Hình như chữ “được vàng” của người xưa là ám chỉ vàng lấy ở chỗ giấu của. Giấu của người ta thường yểm bùa chú, có thần giữ của. Nếu lấy sẽ bị ma ám và dễ bị hại. Câu thành ngữ cảnh báo cho biết để mà tránh.

2- Bạn tôi kể: Cô cháu hôm trước dọn rác trước ngõ nhặt được chiếc nhẫn một chỉ. Chiếc nhẫn có mặt đá trái tim lồng vào ngón cạnh vừa in. Về đến nhà chợt nhớ ra câu thành ngữ trên bỗng nhiên thấy nản, rồi từ nản sang sợ. Cô nhủ thầm, có thể chỉ là nhẫn mỹ ký. Xòe que diêm đốt thử, thấy bám khói đen sì. Nghĩ may mà không phải vàng thật. Nhưng rồi vẫn tiêng tiếc giữ lại.

Hôm sau đưa nhẫn cho chồng mang ra hàng vàng. Lửa khò hai nhát, nhẫn trắng bóng ra rồi khi nguội trở lại thì màu vàng óng. Vàng thật rồi!

Nỗi lo lại kéo đến.

Chồng bảo: Thôi em cho làm từ thiện đi.

Nhưng nghe chữ “cho” lại tiếc.

Vậy giữ lại thì còn mỗi cách tán lộc. Cháu bàn với chồng rồi rủ rê bạn bè đi quán. Khởi đầu việc tán lộc là một triệu rưỡi. Ông bác có máy bơm hỏng không có tiền sửa chữa, cháu gọi thợ, lại thêm một khoản gần bằng nửa cái máy bơm mới ra đi. Lại thêm hai ba việc lặt vặt nữa được “tán lộc” giải quyết.

3- Chiếc nhẫn một chỉ, nào biết là vàng gì. Hiệu vàng đánh giá chỉ hơn bốn triệu, vậy mà loanh quanh tán lộc, khi cộng lại cháu tiêu thành gần 5 triệu. Vậy mà nó chưa bao giờ là của mình. Mỗi khi nhớ về chiếc nhẫn, cháu lại ngao ngán nhủ thầm: Vàng độc thật. Chả biết chuyện “được vàng” sẽ còn ám ảnh nó đến bao giờ!

Theo Báo giấy