Xe buýt “không khói” đạt 10% đoàn phương tiện
Với việc đưa thêm 5 tuyến xe buýt điện vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) đã hoàn thành việc mở 9 tuyến buýt điện theo chủ trương đã được Sở GTVT và UBND thành phố Hà Nội giao. 5 tuyến buýt điện vừa được HPTC khai trương có các ký hiệu tuyến: E02 (Hào Nam - KĐT Ocean Park), E06 (bến xe Giáp Bát - Bến xe Nước Ngầm KĐT Smart City), E07 (Long Biên - Cửa Nam - KĐT Smart City), E08 (Khu liên cơ sở ngành Hà Nội - KĐT Times City), E09 (KĐT Smart City - Công viên nước Hồ Tây). Cùng với 3 tuyến buýt điện và các tuyến xe buýt chạy khí nén - CNG HPTC đã mở trước đó, hiện thành phố Hà Nội đã có 19 tuyến buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, không xả khói.
Với việc có 19 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch, hiện số lượng xe buýt sử dụng động cơ điện và CNG trên địa bàn Hà Nội là 220 xe đã làm cho “thế độc tôn” của xe buýt chạy nhiêu liệu dầu lâu nay thay đổi. Cụ thể, trong tổng số hơn 2.100 xe buýt thành phố Hà Nội đang vận hành và quản lý đã có 11,4% xe chạy nhiên liệu sạch. Đây cũng là con số gần tiệm cận với khung tỷ lệ xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch mà Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu HPTC và Sở GTVT từ nay đến năm 2025 phải có tỷ lệ xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch từ 10 đến 30% trong tổng số đoàn phương tiện .
Cùng với đó, tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau gần nửa năm đi vào hoạt động cũng đã được người dân đón nhận rộng rãi và tỏ rõ tính hiệu quả. Cụ thể, khi mới đưa vào sử dụng, lượng khách đi tàu chỉ 18.000 đến 22.000 nghìn lượt người/ngày, nhưng đến nay con số là 28.000 đến trên 30.000 lượt hành khách/ngày. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố, trong 6 tháng qua, Trung tâm tiếp tục cụ thể, hợp lý hóa các luồng tuyến buýt, mở thêm các tuyến buýt mới có vai trò trung chuyển, gom khách cho đường sắt đô thị. Đến nay, sau 6 tháng vận hành đầu tiên, tổng lượt khách tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển đạt 3,2 triệu lượt, doanh thu nộp ngân sách thành phố đạt 29,6 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) Nguyễn Hoàng Hải đánh giá: Việc các tuyến buýt điện, xe buýt CNG và đường sắt đô thị “khai tuyến” và đi vào hoạt động có hiệu quả đã làm VTHKCC Thủ đô đa dạng hóa loại hình, phương thức vận chuyển tăng tỷ lệ xe thân thiện môi trường. “Thực tế này vừa giúp hành khách có thêm các loại hình vận tải khách công cộng khác nhau để lựa chọn, vừa giúp mục tiêu giảm xe cá nhân, giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường của thành phố được cụ thể hóa rõ nhất”, ông Hải nói.
Tiếp tục mở rộng “phủ sóng” của vận tải công cộng
Đề cập đến các nhiệm vụ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) trong các tháng đầu năm, Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho hay, vượt lên các khó khăn dịch COVID kéo dài, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù nhu cầu đi lại của người dân giảm xuống, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt tiếp tục phải điều chỉnh, thậm chí có thời điểm cắt giảm hơn một nửa biểu đồ hoạt động nhưng khách đi xe buýt đã phục hồi mạnh trở lại từ quý II/2022, giúp sản lượng sau 6 tháng vẫn đạt 122,6 triệu lượt hành khách, bằng 88,4% so cùng kỳ.
Về luồng tuyến hoạt động, ngoài mở mới 5 tuyến xe buýt điện, lãnh đạo HPTC cho biết, Trung tâm cũng điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 10 tuyến buýt (tuyến số 96, 13, 56A, 37, 116, 59, E08, 11, 157, 19) theo tổ chức giao thông chung của Thành phố. Điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 12 tuyến buýt (tuyến số 03A, 23, 28, 39, 05, 89, 100, 103, 105, 20A, 29, 30) để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân; lên phương án điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ các tuyến buýt số 74, 107, 21, 34 theo kiến nghị của UBND huyện Phú Xuyên, huyện Gia Lâm và Đại học Quốc gia Hà Nội; khảo sát và lên phương án điều chỉnh các tuyến buýt số 118, 126. Hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu đối với 05 tuyến buýt mở mới (tuyến số 142, 143, 144, 145, 146) tăng cường kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông); rà soát, báo cáo Sở GTVT danh mục 15 tuyến buýt dự kiến mở mới 2022 theo kế hoạch.
Với việc có thêm xe đường sắt đô thị, xe buýt điện và xe CNG vận tải công cộng Hà Nội hướng đến mô hình đa phương thức, thân thiện môi trường Ảnh: Trọng Đảng |
Tổ chức, tuyển chọn các đơn vị vận tải để thay thế Cty Bắc Hà, tiếp tục vận hành ổn định, không bị gián đoạn 5 tuyến buýt do đơn vị này không còn khả năng duy trì hoạt động từ 1/8.
Thông tin về kết quả đạt được, lãnh đạo HPTC cho hay, tính đến tháng 6/2022, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố gồm đã phát triển lên 148 tuyến (trong đó: 126 tuyến buýt trợ giá; 08 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; ngoài ra VTHKCC trên lĩnh vực buýt của Hà Nội còn kết nối đến 7 tỉnh thành lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc thông qua các 12 tuyến buýt kế cận. Công tác kiểm tra giám sát tiếp tục được tăng cường (bao gồm cả giám sát theo chuyên đề và giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ đối với các tuyến buýt) với 1,1 triệu lượt xe được kiểm tra, giám sát. Công tác tham mưu, xây dựng quy định để quản lý, điều hành, giám sát tốt lĩnh vực vận tải công cộng được HPTC thường xuyên trình Sở GTVT và thành phố.
Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch và xe buýt loại nhỏ vừa mở tuyến kết nối khách với đường sắt đô thị Ảnh: Như Ý |
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, lãnh đạo HPTC cho biết, Trung tâm tiếp tục tham mưu Sở GTVT, UBND thành phố các nhiệm vụ theo chủ trương, trong đó có kế hoạch mở mới 23 tuyến buýt theo kế hoạch, trong đó có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị; 01 tuyến xe buýt điện; 17 tuyến buýt nằm trong danh mục mở mới năm 2020 đã được UBND Thành phố chấp thuận; hoàn thiện một số đề án quản lý giao thông, phương tiện cá nhân phục vụ mục tiêu hạn chế số lượng xe cơ giới đi nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.