Vẫn siết nhập cư vào nội đô

Vẫn siết nhập cư vào nội đô
TP - Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 17- 8 nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô mang nặng quy định quản lý đô thị, chưa nêu bật được ý nghĩa của dự luật như tên gọi.

> Siết nhập cư tại năm thành phố lớn

Dự thảo Luật Thủ đô vẫn giữ nguyên quy định một số điều kiện chặt chẽ đối với vấn đề người nhập cư vào Thủ đô. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm quy định về điều kiện đăng ký thường trú của công dân ở nội thành Hà Nội, do tình trạng gia tăng dân số cơ học tạo áp lực về giao thông, điều kiện học tập, chỗ ở, y tế, việc làm.

Vì vậy cần sớm có biện pháp cụ thể quản lý dân cư tại nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cùng với quy định này, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doạnh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành...

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ nhận xét, việc hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý bằng hộ khẩu tác dụng không lớn lắm. Biện pháp quản lý hành chính này không còn giá trị, phải kèm thêm biện pháp khác.

Dự thảo có 16 điều (từ Điều 9 đến Điều 24) quy định chính sách, cơ chế đặc thù trong các lĩnh vực như quản lý quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng; phát triển kinh tế; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý và bảo vệ môi trường, quản lý nhà ở, quản lý giao thông vận tải.

Một số ý kiến cho rằng, Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 (6-2012) cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Hà Nội áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng không có ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Ngoài việc siết nhập cư, Chủ nhiệm UB Các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai còn cho rằng, dự thảo luật đã liệt kê nhiều chính sách đặc thù, nhưng mới thiên về xây dựng cơ sở hạ tầng, thiếu cơ chế đặc thù cho Thủ đô nhất là về phát triển văn hóa.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra 16 điều được coi là cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô “vẫn là quản lý đô thị, chưa có gì đặc thù”.

Đã là Luật riêng cho Thủ đô, phải có đặc thù, yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải khác đô thị khác, nếu không thì chờ Luật Đô thị, Luật Đất đai hoặc áp dụng Pháp lệnh phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG