Vẫn 'nóng' giá lương thực, thực phẩm

Vẫn 'nóng' giá lương thực, thực phẩm
TP - Theo công bố ngày 25/4 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2008 tăng 2,2% so với tháng Ba. Điều đó cũng đồng nghĩa CPI bốn tháng đầu năm 2008 đã tăng tới 11,6%.

Mức tăng có chậm lại của CPI tháng 4/2008 cho thấy, bước đầu các chính sách bình ổn lạm phát của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khá nhiều người dân.

Đã “dịu”... 

Tại các thành phố lớn, theo tính toán chung của các bà nội trợ, mức chi tiêu mà họ dành cho chuyện “ăn - uống” trong nhà ít nhất tăng thêm 5% so với tháng trước.

Trong tháng, theo thống kê, giá tiêu dùng tăng mạnh nhất ở các địa phương phía nam và các khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển. Mặt bằng giá cả tại đồng bằng sông Cửu Long tăng 2,6%, trong khi các vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mức tăng lần lượt là 2,9%, 2,89% và 2,39%.

Những con số này, nếu so sánh với tốc độ “phi mã” của CPI các tháng 1, 2 và 3/2008 có thể thấy đã dễ chịu hơn. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam ba tháng đầu năm, nhóm phân tích tài chính của Cty FPTS đã nhận định: “Các tín hiệu tích cực quý I tuy còn ít nhưng sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho quý 2 khi các chính sách đồng bộ của Chính phủ phát huy tác dụng”. Ngoài ra, xem xét trên điều kiện khách quan, tháng Tư cũng là một  trong những tháng chỉ số giá thường xuống thấp trong năm.

Nhưng vẫn còn căng thẳng

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực Thế giới, từ năm 2007 đến 2016, giá lúa gạo sẽ tăng trung bình 2,4%/năm. Giá lúa tăng dù có lợi cho Việt Nam từ góc độ là đất nước xuất khẩu gạo nhưng dự báo giá lương thực trong nước cũng vì thế mà sẽ có những biến động tăng theo.

Theo một quan chức thành viên tổ điều hành thị trường trong nước, cùng với giá lương thực, dịch heo tai xanh đang hoành hành cũng sẽ là một mối quan ngại về nguồn cung hàng khan hiếm làm tăng giá thực phẩm.

Mặc dù 24 doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn của cả nước vẫn thực hiện đúng cam kết chưa tăng giá bán đến hết quý 2/2008 nhưng trên thực tế, những ngày này, tại thị trường phía Nam, đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung và tăng giá đột ngột, mức tăng bình quân 5.000-11.000 đồng/bao so với tháng trước.

Giá xi măng tăng mạnh khiến các DN xây dựng lại thêm một phen lao đao, người dân có nhu cầu xây nhà cũng phải bấm bụng chi tiền. Giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian vừa qua cũng như những tháng đầu năm đã khiến Bộ Xây dựng phải xây dựng một văn bản với những tiêu chuẩn, quy định về điều chỉnh giá.

Cùng đó, là thông tin về giá giấy tiếp tục căng thẳng do nguồn nguyên liệu là giấy bột nhập vào tăng cao, khiến giá giấy vở, giấy in báo chắc chắn vẫn chưa dừng một chỗ.

“Nóng” và đáng lo ngại nhất trong thời gian tới phải kể đến giá xăng dầu. Giá dầu trên thế giới lên cao kỷ lục (117 USD/thùng), DN lại khan vốn nên không dự trữ được nhiều hàng đang là lý do khiến các DN kinh doanh xăng dầu phải gồng mình chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng.

Mặc dù Chính phủ đã có ý kiến ít nhất từ nay đến hết quý 2 sẽ không điều chỉnh giá xăng dầu nhưng cho đến thời điểm này, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng phải thừa nhận: “Đang theo dõi thật sát sao và trong trường hợp giá thế giới tăng quá cao, có thể phải đề xuất biện pháp hợp lý cho doanh nghiệp”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.