Văn minh, thanh lịch và cơm áo, gạo tiền

Văn minh, thanh lịch và cơm áo, gạo tiền
TPO - Thành phố Hà Nội chủ trương cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố chính. Chủ trương này được dư luận xã hội quan tâm chia làm hai phía. Vậy thì nên hay không nên cấm, cấm vào thời điểm nào là hợp lý ?
Văn minh, thanh lịch và cơm áo, gạo tiền ảnh 1
Người bán hàng rong sẽ không được bán hàng trên tất cả các tuyến phố như hiện nay. Ảnh Phạm Yên

Phía ủng hộ cho rằng cần phải cấm để đảm bảo cho thủ đô văn minh, thanh lịch, xứng đáng với ngàn năm văn hiến và an toàn vệ sinh thực phẩm; phía phản đối cho rằng cấm hàng rong sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân.

Theo tôi, văn minh, thanh lịch thuộc về đời sống tinh thần, thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội. Kiến trúc thượng tầng được hình thành, được xây dựng trên điều kiện đời sống vật chất, tức là cơ sở hạ tầng xã hội. Như vậy kiến trúc thượng tầng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, là sự phản ánh của cơ sở hạ tầng.

Muốn cải tạo kiến trúc thượng tầng thì trước hết phải tác động, cải tạo cơ sở hạ tầng. ( Tuy nhiên, ý thức xã hội cũng có khi vượt lên trên tồn tại xã hội, dẫn dắt tồn tại xã hội phát triển nhưng đó chỉ là trong những điều kiện đặc biệt, không phải là quy luật phổ biến).

Trở lại vấn đề cấm bán hàng rong để xây dựng thủ đô văn minh, thanh lịch. Những người bán hàng rong sẽ làm gì, sẽ mưu sinh ra sao khi phải bỏ nghề ? Nhà nước đã có những biện pháp gì đảm bảo nghề nghiệp, cuộc sống cho họ khi buộc họ phải từ bỏ nghề bán hàng rong ? Rõ ràng là chưa có giải pháp nào được đưa ra.

Thực ra, Hà Nội không cấm bán hàng rong mà chỉ cấm trên một số tuyến phố chính, những tuyến phố văn minh, lịch sự. Vậy thì hàng rong sẽ bị đẩy về, sẽ xuất hiện dày đặc hơn ở những nơi nghèo khổ, thấp kém, nơi sinh sống của dân nghèo, điều đó có làm cho an toàn vệ sinh thực phẩm được tốt hơn hay lại là sự cộng hưởng của mất vệ sinh ?

Không ai phủ nhận người giàu có quyền được hưởng thụ tốt hơn nhưng không vì thế mà đẩy những điều kiện bất lợi cho người nghèo vì điều đó không đúng với bản chất của chế độ ta. Mặt khác, trên khía cạnh kinh tế, nó không những bất bình đẳng với người nghèo ( vì không được bán hàng rong để mưu sinh ) mà cũng bất bình đẳng với người giàu ( vì không được hưởng dịch vụ mua sắm thuận tiện với giá rẻ ).

Còn vì văn minh, lịch sự ư ? Ta thử hình dung, khi người nước ngoài đến Việt Nam đi trên những tuyến phố chính không còn cảnh bán hàng rong nhếch nhác, lôi thôi, thế nhưng khi họ đi du lịch "sinh thái" vào các con hẻm, các khu lao động lại thấy hàng rong bị dồn về đây, thử hỏi hình ảnh Việt Nam trong mắt họ có được cải thiện hơn không ?

Khi chưa có giải pháp bảo đảm cuộc sống cho người nghèo thì không thể cấm. Bởi như vậy là chủ quan, duy ý chí. Không thể vì văn minh, thanh lịch cho một số người mà hy sinh cơm áo gạo tiền của một số đông người khác.

Còn nhớ sinh thời, Bác Hồ khi đến thăm cơ quan, doanh trại quân đội, Người thường đi kiểm tra khu nhà ăn, khu vệ sinh trước, bởi đó mới thực chất là đời sống.

Đất nước ta còn nghèo, chưa đủ thời gian và điều kiện để làm cho mọi người có cuộc sống no đủ, văn minh, chúng ta phải chấp nhận điều đó để phấn đấu chứ không nên che đậy. Vả lại có thể cấm được chăng, hay chỉ là "đuổi chỗ này chạy chỗ khác", tốn kém thêm bao nhiêu chi phí cho quản lý thị trường, cảnh sát trật tự, và hình ảnh "đẩy đuổi", "bắt cóc bỏ dĩa" đó có làm cho thủ đô đẹp hơn không ?

Thời bao cấp, để đối phó với cấp trên khi về thăm, một số cơ quan , HTX thường mượn lợn béo tốt của dân bỏ vào trại chăn nuôi tập thể và sơ tán những con lợn còi cọc đi chỗ khác. Sau khi kiểm tra xong, mọi việc lại trở về như cũ. Đó là bệnh thành tích, bệnh dối trá chứ bản chất cuộc sống không có gì thay đổi.

Nếu ngày nay ta "đuổi" hàng rong ra khỏi khu vực văn minh để dồn họ về nơi nghèo khó thì cũng không làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Hàng rong sẽ mất đi khi mọi người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, mọi người có đủ khả năng chi trả cao cho nhu cầu của mình, xã hội có hệ thống phân phối phù hợp, tiện lợi.

Muốn vậy phải tập trung phát triển sản xuất, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho mọi người. Đó chính là lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của xã hội ta. Tôi hình dung đến lúc nào đó, hàng rong sẽ mất đi giống như một số làng nghề truyền thống hiện nay. Lúc đó chúng ta lại phải phục chế lại một số "gánh" hàng rong để giữ gìn một nép đẹp văn hoá giống như chúng ta đang cố gắng giữ gìn những di sản văn hoá phi vật thể hiện nay.

Như vậy không phải là cấm, mà hàng rong sẽ có quá trình sinh ra, lớn lên và hoàn thành sứ mạng lịch sử cùng với sự phát triển của đất nước. Hãy để cho xã hội phát triển như nó vốn có. Du khách nước ngoài đến Việt Nam có thể nhìn thấy cảnh hàng rong lôi thôi, nhếch nhác trên đường thì cũng không có gì đáng xấu hổ, hãy nói với họ rằng đất nước chúng tôi còn nghèo khó như vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Cũng như bao lĩnh vực khác, thể thao chẳng hạn, chúng ta chưa thể đuổi kịp thế giới, điều đó làm sao dấu nổi và cũng chẳng có gì đáng xấu hổ khi thực lực của chúng ta mới chỉ có như vậy, chỉ đáng xấu hổ khi chúng ta tự ty, giấu dốt, không chịu phấn đấu vươn lên.

Tôi là người nông thôn, mới đến sinh sống trong con hẻm nhỏ của một thành phố nhỏ nơi mảnh đất miền Trung được vài năm. Thế nhưng tôi đã quen với tiếng rao, với các loại tín hiệu của chị bán ngô nướng, của cô bán trứng vịt lộn, của anh bán "bánh mì Sài gòn, đặc biệt thơm ngon, một ngàn một ổ". Và trở thành thói quen, nhà tôi sẽ mua gì, ăn gì, lúc nào theo "thời khoá biểu" ấy..

Nếu ngày nào đó, anh bánh mì hay chị ngô nướng không đi qua là cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn và hôm sau gặp lại, bao giờ cũng có lời thăm hỏi. Để thấy, hàng rong tuy nhếch nhác, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nó đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống", thành nét văn hoá trong đời sống cộng đồng.

Tôi không phản đối chủ trương cấm bán hàng rong mà chỉ muốn các nhà quản lý cân nhắc cấm vào lúc nào, kèm theo giải pháp gì để đảm bảo cuộc sống cho người dân, để văn minh thanh lịch không mâu thuẫn với cơm áo, gạo tiền.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.