Văn minh & lương tâm

Văn minh & lương tâm
TP - Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương vừa có một động thái “cầm tay chỉ việc” đối với ngành du lịch nước này khi nêu rõ “cải thiện chất lượng văn minh công dân và xây dựng một hình ảnh tốt về du khách Trung Quốc là trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan hữu quan”.

> Trung Quốc ‘tố’ Nhật bôi nhọ hình ảnh vụ Radar tên lửa

Do đó nhà chức trách nên “hướng dẫn du khách tuân thủ trật tự công cộng và các quy tắc xã hội, tôn trọng tín ngưỡng và truyền thống địa phương, cẩn trọng lời ăn tiếng nói... và bảo vệ môi trường”.

Ba mươi lăm năm mở cửa kinh tế đã mang lại cho Trung Quốc một tầng lớp khá giả đông đảo và đối với bộ phận người giàu mới này, đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm ngày càng phổ biến. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều nước phát triển đã nới lỏng các hạn chế về thị thực để thu hút du khách Trung Quốc.

Nhưng bên cạnh sự vồ vập này, truyền thông nước ngoài cũng có không ít “lời ra tiếng vào” về những du khách Trung Quốc hay “ồn ào nơi công cộng, đi lại nghênh ngang, bạ đâu nhổ đấy và thích để lại dấu tích bằng những ký tự Trung Quốc tại mỗi nơi đi qua”.

Ngay cả giới chức Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng nhiều du khách nước này chưa thể hiện được phép văn minh lịch sự khi ra nước ngoài và cư xử của họ đang làm xấu đi hình ảnh đất nước vốn tự hào có nền văn minh 5.000 năm.

Chính vì vậy, luật du lịch mới của Trung Quốc có cả điều khoản cho phép các công ty lữ hành hủy hợp đồng với khách du lịch nếu khách có hành động vi phạm các chuẩn mực xã hội.

Với luật mới cùng chỉ thị cụ thể của Phó Thủ tướng, có vẻ như giới chức Trung Quốc đang ráo riết cải cách văn minh cho người dân. Nhưng ngẫm kỹ ra, những hành xử “bất lịch sự” kể trên có thể gây khó chịu nhưng ít nhất nó cũng không làm ai chết.

Cái mà người ta lo ngại hơn về một Trung Quốc nay đã trở thành cường quốc thế giới chính là nhiều thứ sản phẩm tiêu dùng độc hại có dán nhãn “Sản xuất tại Trung Quốc”, từ sữa bột chứa chất melamine cho tới quần áo, đồ chơi trẻ em chứa kim loại nặng vượt nhiều lần mức cho phép đang hiện diện mọi ngóc ngách trên hành tinh, mà buổi trưng bày 2.278 sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc ngay tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussel (Bỉ) mới đây là một ví dụ.

Người ta có thể thông cảm hay bỏ qua cho lối hành xử kệch cỡm vì khác biệt văn hóa, nhưng khó ai có thể châm chước cho lối làm ăn vô lương tâm bất chấp tính mạng người tiêu dùng. Có lẽ đây mới là cái mà nhà chức trách Trung Quốc cần ưu tiên cải thiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.