Chuyến viễn du đầu tiên ra khỏi dải đất hình chữ S của tôi cách đây mười lăm năm. Thời ấy chẳng hề có google, internet vẫn còn chưa thông dụng và “mạng xã hội” là một khái niệm không tồn tại. Thời ấy người ta cho rằng: những gì gọi là văn minh đều tập trung ở phương tây.
Cái con bé ngây ngô là tôi ngày đó thực sự rất choáng ngợp và ngưỡng mộ đối với những khác lạ ở nơi mình đặt chân đến.Tôi loay hoay tập làm kẻ văn minh. Từ việc đi bộ đúng làn đường, đón taxi ở nơi quy định, xếp hàng mua đồ, giữ yên tĩnh nơi công cộng, không chen lấn xô đẩy, không xả rác bừa bãi… cho đến việc tập làm quen với những tiện nghi mà ở nhà không có; hết thảy mọi thứ đều khiến tôi cảm thấy mình đang leo ra khỏi đáy giếng chật hẹp.
Những chuyến đi ngày một nhiều lên. Tôi từ một cô gái rụt rè, ngơ ngác và đầy háo hức đã trở thành người đàn bàtự tin bước đi trên đường trường. Phạm trù về văn minh, với tôi, đã trở nên rộng lớn vượt ra ngoài khuôn khổ của những kỹ năng sống. Nhưng càng đi nhiều thì tôi, thay vì tự hào rằng mình đang ngày một văn minh hơn, lại mang trong mình cảm giác của một kẻ đang đứng bên rìa văn minh và băn khoăn tự hỏi: Mình nên tiếp nhận chúng với một tâm thế ra sao.
Cô bạn thân của tôi định cư ở nước ngoài, mỗi khi gặp nhau thường nói: Cái mà phụ nữ Việt Nam thiếu nhất là tư tưởng đón nhận những cái mới. Họ sợ sự thay đổi và cứ khư khư ôm lấy những lề thói cũ. Chính vì vậy mà cho dù họ có mặc toàn đồ hiệu, đi khắp thế giới, tiếp xúc với đủ loại người, nói đủ thứ chuyện từ kinh tế - chính trị cho đến văn hóa - nghệ thuật, thì họ vẫn rất thiếu văn minh.
Một cô bạn khác lại nói: Phụ nữ Việt Nam nhiều người khổ quá! Lúc nào cũng tâm niệm mình sinh ra là để phục vụ bọn đàn ông. Suốt ngày vùi đầu vào nhà cửa, con cái, chẳng có bao giờ dám sống cho riêng mình. Kể cảmột số phụ nữ thành đạt cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của những nghĩa vụ truyền thống trong gia đình. Phụ nữ phương Tây không thế. Họ sống độc lập, mạnh mẽ, có những đam mê riêng, không lệ thuộc vào đàn ông, biết trân trọng bản thân và yêu thích sự tự do cá nhân. Chính vì thế mà họ văn minh. Và cô kết luận rằng những người phụ nữ Việt Nam đi ra nước ngoài, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với văn hóa phương Tây thì thường có lối sống văn minh hơn những người khác.
Thực ra tôi nghĩ, mọi khái niệm về văn minh đều chỉ là tương đối, có tính so sánh tại thời điểm xét đến chứ không có giá trị tuyệt đối.Quan điểm của phương Tây về văn minh là sự cởi mở và không ngừng tiến lên, là nhu cầu bỏ lại đằng sau những tập tục cũ, cách nghĩ cũ và những giá trị cũ.Trong khi phương Đông lại đề cao sự hòa nhập, gìn giữ và mở rộng thay vì vứt bỏ để tiến lên. Vì thế, chúng ta không thể mang phương Tây sang áp đặt ở phương Đông và ngược lại.
Sẽ là không công bằng nếu chúng ta cho rằng người này văn minh hơn người kia chỉ vì họ có cơ hội được đi nhiều hơn, hay chỉ vì họ đang sống ở những quốc gia phát triển. Người ta càng đi nhiều, hội nhập nhiều thì nhu cầu tiếp nhận cái mới ngày càng tăng. Điều này về cơ bản là đúng.Sâu xa trong mỗi con người, ai không mong cầu tiến lên? Chỉ có điều, những người phụ nữ trở về từ những chuyến đi, thường mang trong mình sự kiêu hãnh ngấm ngầm của những kẻ đã đi, đã thấy và đã từng trải nghiệm. Do đó, họ không tránh khỏi có tâm lý so sánh và cái nhìn đả kích, châm biếm đối với những bổn phận, lễ nghi vốn đè nặng lên vai phụ nữ truyền thống.
Nghệ sĩ múa Michiyo Phạm Ngà là một ví dụ điển hình, khi cô ấy lớn tiếng chê bai đàn ông Việt gia trưởng, thiếu hiểu biết và non kém trong chuyện gối chăn. Hãy khoan bàn tới chuyện đúng - sai trong những phát biểu của cô, nhưng cô đã dám nói lên suy nghĩ của mình, điều mà phụ nữ Việt thường hay e ngại. Phát ngôn của Michiyo một thời gian làm rúng động các trang mạng. Những người đàn ông vốn quen được nâng niu, chiều chuộng và giữ vị trí trung tâm, giờ bị cô chà đạp không thương tiếc bèn chỉ trích cô gay gắt. Những người phụ nữ chia ra làm hai phe: ủng hộ và phản đối. Cuộc tranh cãi bất phân thắng bại bởi vì mỗi bên đều có cái lý của mình. Văn minh và định kiến đụng nhau kịch liệt.
Tôi cũng là người mang trong lòng nhiều định kiến. Không phải định kiến với những cái mới, mà là sợ những định kiến sẽ đến với chính bản thân mình, nếu mình tiếp nhận những cái mới.Tôi thích những người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, dám sống cho cái tôi của riêng mình.Tôi thích những người phụ nữ dám từ bỏ cái cũ để đến với cái mới nếu cái cũ thực sự không còn phù hợp. Nhưng tôi thường phân vân không biết mình có nên sống và hành xử như thế hay không. Nỗi lo sợ về những phản ứng, nếu có, bắt nguồn từ những định kiến của xã hội khiến tôi ngần ngại. Từ nhận thức đến hành vi là một quãng đường dài mà người ta phải đi qua, phải trải nghiệm và đôi khi phải trả giá thì mới lĩnh hội được.
Vì thế tôi nghĩ, không phải phụ nữ Việt Nam thiếu văn minh, mà chỉ là chúng ta có quá nhiều định kiến. Vì định kiến mà chúng ta sợ sự thay đổi. Vì định kiến mà chúng ta chỉ trích khingười khác thay đổi hoặc khi họ không chịu thay đổi. Đôi khi chúng ta cự tuyệt những cái mới, không phải vì nó không hay, không tốt, mà chỉ bởi vì nó quá khác biệt với cái ta đang có. Lại có những lúc chúng ta phủ nhận tất cả những cái cũ, vì cho rằng nó thiếu văn minh.
Tôi thì cho rằng văn minh không nằm ở chỗ bạn là ai, làm gì, bạn đã đi bao nhiêu nước, mà phụ thuộc vào thái độ ứng xử của bạn đối với cuộc sống. Bạn là người văn minh nếu bạn có thể cân bằng giữa đóng và mở, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái tôi của mình với sự khác biệt của người khác. Bạn là người văn minh nếu bạn biết đón nhận và tiếp thu những cái mới một cách cởi mở, không định kiến. Thái độ ứng xử của bạn với cuộc sống thế nào, bạn biết trân trọng chính bản thân mình và người khác đến đâu thì bạn văn minh đến đấy. Quan điểm của tôi là như vậy.
Đông Phương BB