Văn hóa

TP - Ông Táo lại sắp về Trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng chuyện dương thế năm qua và ước mong cho năm tới. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện cả nước gần 90 triệu dân hẳn cũng dài dòng lắm. Nhưng chắc chắn chuyện về văn hóa, làm người có văn hóa sẽ nổi bật lên, bao trùm tất cả.

>> Văn hóa giao thông

Làm người có văn hóa nghe vẻ mông lung nhưng cũng thật cụ thể. Vì văn hóa, nói cho cùng là sự tôn trọng con người, trong đó hàng đầu là bảo vệ tính mạng con người. Chẳng hạn như giao thông nước ta, mọi ngả đường đang thể hiện không che giấu sự coi thường mạng sống của con người, riêng năm 2010 tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hơn 11.400 người.

Tại Hội thảo Văn hóa giao thông do nhiều cơ quan văn hóa tổ chức ngày 21-1 ở TP Hồ Chí Minh, có diễn giả đã nói, nước ta “gần như chưa có văn hóa giao thông”.

Nhưng xem ra trong xã hội hiện thời, gần như chưa có văn hóa không còn riêng lĩnh vực giao thông.

Trong giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên ở Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam cho rằng, ba yếu tố chính làm nên văn hóa giao thông là luật, người thực thi luật và người chấp hành luật “còn quá nhiều bất ổn”. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnh “người có vị trí nhất định trong xã hội cũng thiếu ý thức về giao thông”.

“Người có vị trí nhất định trong xã hội” chính là người có quyền lực nhất định. Có quyền mà “thiếu ý thức về giao thông” sẽ sử dụng quyền lực để giành phần hơn trong đi đường, bạo lực xuất hiện từ đó rồi lây lan. Thiếu văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống đều hình thành tương tự, thầy thuốc lạm dụng quyền lực với người bệnh, giáo viên lạm dụng quyền lực với học sinh, quan chức lạm dụng quyền lực với công dân…

Để hình dung mức độ lây lan, nguy hại bởi cách hiểu méo mó sức mạnh của quyền lực, xin nhắc ra đây câu chuyện một học sinh lớp một dùng 2.000 đồng để “mua chức” tổ phó lớp học, bài đăng trên VNN ngày 22-1. Cái chức tổ phó lớp học theo luân phiên, lẽ ra thuộc một học sinh khác nhưng học sinh này muốn, nên dùng 2.000 đồng đút lót, để được nhường cho làm.

“Những ai có trách nhiệm về tương lai con em mình không thể bàng quan được. Ở đây vai trò của các bậc phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn, nếu không có người lớn “làm gương” thì các em khó biết được cách “chạy” đó”, bài báo viết.

Ở đâu bạo lực nổi lên thì văn hóa chìm xuống, tiền bạc lên ngôi thì đạo đức lu mờ. Lịch sử và thực tế đã chứng minh vẻ đẹp của một con người, tầm vóc của một dân tộc chỉ có được nhờ văn hóa.

Một đất nước trở thành cường quốc cũng nhờ sức hút văn hóa là chính.

Nên năm nay ông Táo về Trời, tâu với Ngọc Hoàng sao cho năm tới con người nước ta có thêm văn hóa cho xứng với lịch sử bốn nghìn năm văn hiến, tỏ mặt với bốn biển năm châu.

Theo Báo giấy