Văn hóa ở cơ sở, tiền tỷ ngó chơi

Văn hóa ở cơ sở, tiền tỷ ngó chơi
TP - Đầu năm 2011, TP Cần Thơ xây dựng thêm 5 nhà văn hóa phường, xã, nâng tổng số nhà văn hóa cấp này lên 39 và nhiều phường, xã khác đang tiếp tục xin kinh phí xây dựng nhà văn hóa để được công nhận là “văn hóa”, là “nông thôn mới”.

> Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hóa

“Có nhà văn hóa à?”

Nhà văn hóa phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) được ca ngợi hoạt động tốt vì ở phường có truyền thống hai lần Anh hùng (Anh hùng LLVTND thời chiến tranh và Anh hùng Lao động thời đổi mới). Công trình do quận Ninh Kiều đầu tư, hơn 1,6 tỷ đồng trên diện tích 883,5 m2, có phòng đọc sách, phát thanh, phòng truyền thống và hội trường.

Phòng đọc sách rộng 18,6 m2, bốn bề gắn kiếng, có khoảng 200 cuốn sách phủ bụi. Chủ yếu là sách pháp luật, xuất bản trên dưới 10 năm trước. Đặc biệt có những cuốn dành cho giới nghiên cứu như: “Ký hiệu nghĩa và phê bình văn học” xuất bản năm 1980, “Làm gì và làm thế nào để giải quyết vấn đề ăn của xã hội” xuất bản năm 1983.

Thủ thư Phan Ngọc Mỹ cho biết: “Sách ở đây do quận luân chuyển xuống, cứ 3 tháng một lần”. Theo sổ cho mượn sách ba tháng qua, tháng sáu có 6 người mượn, tháng bảy có 28 người và tháng tám có 3 người mượn. Người mượn sách chủ yếu là cán bộ phường với các loại truyện cổ tích, truyện cười dân gian. Ông Nguyễn Ngọc Nuôi, Chủ tịch UBND phường An Bình nói: “Sách cũ nên không ai đọc”.

Phòng phát thanh chật chội, kín như bưng có chiếc radio cũ, máy tăng âm, âm ly, đầu đọc đĩa hiệu, trang bị từ năm 2003, trị giá 187 triệu đồng. Đây là nơi tiếp âm các đài phát thanh cấp trên và đọc bản tin của phường. Trưởng Đài phát thanh phường Trần Hồng Hải cho biết: “Máy móc cũ quá rồi, năm ngoái mới nâng cấp mất hơn 30 triệu đồng, nhưng vẫn trục trặc hoài”.

Hội trường nhà văn hóa rộng hơn 800 m2, có 120 ghế, nhưng Chủ tịch phường Nguyễn Ngọc Nuôi nói, ít khi dùng đến vì tốn điện, mà phường vẫn sử dụng hội trường cũ sức chứa khoảng 40 người. Phòng truyền thống rộng 18,6 m2 khóa cửa, qua ô kiếng, thấy trên tường treo nhiều ảnh chân dung của lãnh đạo phường các thời kỳ.

Chủ tịch Nuôi giải thích việc khóa cửa: “Dân ít khi vào phòng truyền thống”. Chị Vũ, một người dân sống gần nhà văn hóa, khi được hỏi về nhà văn hóa còn ngạc nhiên: “Có nhà văn hóa ở đây à? Tôi cũng không có việc gì đến đó”.

Thiếu đủ thứ

Trong phong trào xây dựng “phường văn hóa”, An Bình cũng như nhiều nơi khác còn dành nhiều tiền xây dựng nhà thông tin khu vực, một dạng nhà văn hóa khu vực. Phường An Bình đã có 8 nhà thông tin khu vực trong đó nhà thông tin khu vực 4 khang trang nhất và cũng được giới thiệu là hoạt động tốt nhất.

Nhà thông tin khu vực 4 khánh thành năm ngoái, kinh phí 200 triệu đồng, diện tích trăm mét vuông. Đặt gần cửa ra vào, tủ sách có hai ngăn với khoảng 40 cuốn, một nửa là sách pháp luật, nửa còn lại truyện thiếu nhi và tiểu thuyết. Có những cuốn “Chứng khoán và đầu tư” xuất bản năm 2005, “Ngăn dòng nước mắt” xuất bản năm 1990.

Nhà thông tin khu vực 6 thì còn tạm bợ trên đất mượn của ông Phan Công Hải từ năm 2007 với diện tích khoảng 24 m2 cũng có một tủ sách. Chiếc tủ do quỹ môi trường tặng kèm theo sách toàn về môi trường. Trưởng khu vực 6 Phạm Văn Suông cho biết, người dân ít đến đọc sách và nói chung ít đến nhà thông tin bởi còn ngại chuyện…vệ sinh. Do nhà thông tin chưa có nhà vệ sinh, ai buồn thì chạy ra bờ rạch hoặc về nhà.

Ông Châu Văn Dự, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa & gia đình Sở VHTT&DL Cần Thơ, thừa nhận: “Hoạt động của nhà văn hóa phường, xã chưa đạt lắm”. Theo ông Dự, đa số cán bộ ở nhà văn hóa là kiêm nhiệm nên thiếu nghiệp vụ và thiếu cả thời gian. Nói chung là thiếu thốn đủ thứ, trong đó thiếu kinh phí vẫn là chuyện “muôn thuở”.

Mơ ước một nhà hát cải lương

Văn hóa ở cơ sở, tiền tỷ ngó chơi ảnh 1
 

PGĐ Sở VHTT&DL TP Cần Thơ Hồ Văn Hoàng (ảnh) cho biết, từ lâu ông mơ ước một nhà hát cải lương hiện đại để du khách xa gần đến Cần Thơ, đến ĐBSCL có thể thưởng thức cải lương đặc sản, cải lương tinh túy. Nhưng khó khăn là thiếu kinh phí.

Từ hồi giải phóng đến nay, cũng đã diễn ra mấy đợt rầm rộ phong trào xây dựng nhà văn hóa cấp phường, xã, xây rồi đập. Nếu tập trung kinh phí đó chắc đủ xây dựng một nhà hát cải lương?

Nhà văn hóa phường, xã là mô hình nhằm phục vụ cộng đồng dân cư.

Nhưng mô hình ấy loay hoay đã 36 năm, tính cả phía Bắc thì lâu hơn nữa, kết quả bây giờ có thể gọi là không thành công? Chẳng hạn so sánh với thời kỳ Pháp đô hộ nước ta, còn để lại được đến bây giờ nhiều nhà hát lớn?

Văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nếu chưa thúc đẩy phát triển thì quả thật chưa có văn hóa đúng nghĩa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG