Văn hóa Nhật luôn hút khách

Văn hóa Nhật luôn hút khách
TP - Dù vắng hoa anh đào tươi, Lễ hội Mùa xuân Việt- Nhật vẫn đông như thường với đủ món truyền thống của xứ sở mặt trời mọc.

> Tôi thích diễn ở Việt Nam
> Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc

Diễn ra hai ngày, sáng 21/4 lễ hội chính thức khai mạc nhân 40 năm quan hệ Việt-Nhật. Gần trưa, hàng dài người vẫn ùn ùn đổ về sân trước khu triển lãm.

Nhóm múa Yosakoi của trường THCS Lý Thường Kiệt lần đầu tiên xuất hiện. Thành lập hơn 1 tháng, một số thành viên mới tập hơn 2 tuần nên khán giả ghi nhận nhiệt tình của 30 thành viên này là chính.

Muốn đo độ chuyên nghiệp phải kể các nhóm Yosakoi lâu năm hơn, đến từ TT tiếng Nhật Núi Trúc, ĐH Hà Nội chẳng hạn. Mọi năm còn có vài đội từ Nhật sang, năm nay giới trẻ nước ta tự tổ chức, tự vui chơi.

 “Em học tiếng Nhật nên muốn biết thêm về văn hóa nước này. Yosakoi, điệu nhảy của những nụ cười, đem mọi người đến với những niềm vui truyền thống của Nhật nên em rất thích”.  

Nguyễn Thị Nhật Hồng

Vì sao văn hóa ngoại hút giới trẻ? Đội trưởng Yosakoi Lý Thường Kiệt-Nguyễn Thị Nhật Hồng, học sinh lớp 9 nói: “Em học tiếng Nhật nên muốn biết thêm về văn hóa nước này. Yosakoi, điệu nhảy của những nụ cười, đem mọi người đến với những niềm vui truyền thống của Nhật nên em rất thích”. Trần Khánh Vy, học sinh lớp 6 mới biết đến điệu múa này gần năm nay, thừa nhận không thích các điệu múa truyền thống Việt Nam lắm, thích Yosakoi vì thể hiện sự đoàn kết tập thể.

Tương tự với các trò chơi, hay nghệ thuật truyền thống Nhật Bản khác cũng khiến giới trẻ thích thú, tò mò.

Ghé qua khu vực trưng bày các tác phẩm cắt giấy Kirigami, người xem chiêm ngưỡng những công trình tạo hình từ giấy bìa khá công phu: chùa Một Cột, Chợ Đồng Xuân, Khuê Văn Các, Hồ Gươm... cùng các công trình nổi tiếng trên thế giới khác. Nhóm cắt giấy này còn có cả fanpage, quy tụ đông đảo giới trẻ từ nhiều năm nay.

Vắng hoa anh đào tươi có vẻ không ảnh hưởng tới không khí lễ hội. Vẫn còn nhiều trò để túm năm tụm ba: mặc trang phục hóa trang Cosplay, kimono Việt Nam hóa. Đứng giữa sân triển lãm để vẽ mặt, tô son kiểu Geisha. Xong xuôi thì kéo về cây anh đào lụa khiêm tốn dựng giữa sân hội, tạo dáng chụp hình, hoặc đơn giản chỉ là cầm dù Nhật đi lại trong sân triển lãm.

Lễ hội hoa anh đào các năm trước có điểm nhấn là mấy gốc hoa, hàng rào cứng và mềm vây xung quanh, thậm chí không ít người mặc sắc phục an ninh bảo vệ.

Năm nay, giới trẻ chia thành hai khu vực rõ rệt, một là dồn hết về phía sân khấu chính ở cuối sân xem trình diễn Yosakoi và thi hát. Phần còn lại chen chân xếp hàng ở các gian hàng ẩm thực.

Đầu bếp Nhật đến từ các nhà hàng Nhật có tiếng trên phố lớn, không ngơi tay trước bếp ga du lịch tại các gian hàng Sushi, bánh bạch tuộc, mỳ Udon.

Hàng nước giải khát tha hồ hốt bạc, pha không kịp bán với giá 10 ngàn đồng/cốc nước chanh trong veo, nhiều đá hơn nước. Thực khách đông, nhưng may có vài chiếc thùng xốp để giữa sân và một nhóm tình nguyện viên luôn tay thu gom rác, nên vệ sinh tại lễ hội không đáng phàn nàn lắm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.