Khoảng trống pháp lý trong các vụ tấn công tình dục

Vận dụng sai pháp luật, sẽ bỏ lọt tội phạm

Hình ảnh người đàn ông sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy ở TPHCM Ảnh: Cắt từ clip
Hình ảnh người đàn ông sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy ở TPHCM Ảnh: Cắt từ clip
TP - Theo luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN), hiện nay trên thực tiễn xử lý hành vi dâm ô đối với trẻ em, hay các hành vi dâm ô đối với các nạn nhân là người yếu thế đang có biểu hiện nương nhẹ, điều này làm cho vấn đề bảo vệ các nạn nhân bị xâm hại về danh dự, nhân phẩm, thể chất và tinh thần đang bị buông lỏng đáng báo động. 

Để điều tra xử lý vụ việc người đàn ông có hành vi sàm sỡ bé gái dưới 16 tuổi trong thang máy ở TPHCM, cơ quan điều tra cần có chính sách bảo vệ hình ảnh, nhân thân của nhân chứng và gia đình trước để họ tin tưởng phối hợp điều tra.

Theo LS Lê Cao, chỉ cần người nào có hành vi “dâm ô” đối với người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì đã có cơ sở để xem xét buộc tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự.

“Hiện nay, theo nhiều quan điểm của một số người thực thi phạm luật, quan niệm của báo chí nhiều khi thông tin không dựa vào cơ sở pháp lý nào thì cho rằng hành vi dâm ô phải là hành vi tác động lên bộ phận sinh dục của nạn nhân, theo chúng tôi nhận định này hoàn toàn không đúng tinh thần của điều 146 - Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Chính tư tưởng suy luận sai lệch này về mặt khoa học pháp lý đã dẫn đến cách vận dụng pháp luật sai, bỏ lọt tội phạm và dẫn đến quyền của trẻ em không được bảo vệ”, ông Cao cho biết.

Ông Cao phân tích thêm, luật trẻ em quy định trẻ em là người   dưới 16 tuổi, trong khi Bộ luật hình sự quy định tương tự trường hợp phạm tội dâm ô là đối với người dưới 16 tuổi. Nếu cùng với hành vi, nhưng với người trên 16 tuổi là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm nhân phẩm danh dự với người khác. Nhưng với người dưới 16 tuổi, là trẻ em cơ thể cần được đặc biệt bảo vệ nên luật mới quy định tội danh dâm ô với trẻ em. Nghĩa là cơ thể trẻ em là bất khả xâm phạm, những hành vi đụng chạm, xâm phạm cơ thể trẻ em bất kể có phải là bộ phận sinh dục hay không cũng đủ cơ sở phạm tội dâm ô.

Vận dụng sai pháp luật, sẽ bỏ lọt tội phạm ảnh 1 Luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN

Cần chính sách bảo vệ cho nạn nhân và gia đình

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Cao, hiện nay cơ quan thi hành pháp luật chưa thực sự chuyên biệt trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, người bị xâm phạm thân thể. Đối với trường hợp vừa xảy ra tại TPHCM bé gái bị người đàn ông sàm sỡ trong thang máy, theo ông Cao, chiếu theo quy định của pháp luật thì đây rõ ràng là hành vi dâm ô. Hành vi này chẳng cần hậu quả, gây thương tích, vẫn có thể xử lý được.

“Chúng ta không thể so sánh vụ sàm sỡ trong thang máy diễn ra ở Hà Nội bị phạt 200.000 đồng với vụ người đàn ông sàm sỡ trẻ em ở TPHCM, vì mức độ đối chiếu theo quy định của luật hoàn toàn khác nhau. Phải lấy độ tuổi của nạn nhân là yếu tố đặc biệt để cơ quan điều tra tập trung làm rõ hành vi vi phạm. Cháu bé xuất hiện trong clip chắc chắn dưới 16 tuổi”, ông Cao cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Cao, chứng cứ ở đây không chỉ là hình ảnh camera ghi lại được mà còn là lời khai của nạn nhân, nhân chứng, gia đình. Hiện tại, có thể gia đình nạn nhân chưa đưa ra ý kiến vì họ còn đang bảo vệ con em họ, không muốn việc này mà ảnh hưởng đến tâm lý cháu bé trong khi dư luận đang dậy sóng. Nếu cơ quan điều tra, cũng như báo chí, truyền thông, mạng xã hội không giữ kín tên tuổi, nhân thân của nạn nhân thì gia đình nạn nhân sẽ không muốn phối hợp. Đây là tâm lý chung.

“Trong trường hợp này, cơ quan điều tra có thể lấy lời khai kín, có người giám hộ của nạn nhân. Và nhất thiết phải có chính sách bảo vệ đặc biệt đối với nạn nhân và gia đình, để thuyết phục gia đình nạn nhân hỗ trợ công tác điều tra. Việc đấu tranh loại bỏ những hành vi như thế này cần làm rõ, đủ chứng cứ mới xử lý, buộc tội được”, ông Cao cho biết.  

 Tối 4/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, trong ngày 5/4 nếu cơ quan chức năng tại TPHCM chưa khởi tố vụ án, Hội bảo vệ quyền trẻ em sẽ có văn bản chính thức đốc thúc đề nghị khởi tố. Bà Nữ cho hay, đang phối hợp với Hội phụ nữ quận 4 để tiến hành xác minh vụ việc và hỗ trợ, giúp đỡ cháu bé.Ngô Bình

Luật sư  Cao cho biết thêm, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu đối với dấu hiệu phạm tội của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Bộ luật hình sự thì không phải là tội danh chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, khi xét thấy có dấu hiệu phạm tội thì các cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra để làm rõ có hay không hành vi phạm tội.

MỚI - NÓNG