Tại cuộc gặp mặt đầu năm với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giải thích lý do tại sao Bộ dự định môn ngoại ngữ chưa thi bắt buộc hoặc tự chọn mà chỉ là môn thi khuyến khích: Việc dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay chưa đạt được yêu cầu mà Nghị quyết T.Ư 8 đề ra do những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, năng lực của giáo viên và cách thức thi, kiểm tra lạc hậu chưa đánh giá được năng lực nghe-nói-đọc-viết của học sinh.
Mặt khác, điều kiện và chất lượng dạy học môn ngoại ngữ (cả ở trong và ngoài nhà trường) hiện rất khác nhau giữa các vùng miền… Chỉ khi nào giải quyết được các hạn chế nói trên thì mới đảm bảo được chất lượng thực sự của dạy học ngoại ngữ. Việc chưa quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc hay tự chọn mà là môn thi khuyến khích chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Hiển cũng cho biết, có thể Bộ sẽ cân nhắc thêm trước đề xuất đưa ngoại ngữ thành môn thi tự chọn. “Khi quyết định, Bộ sẽ dựa vào tính thuyết phục trong các lập luận của những đề xuất chứ không căn cứ đó là ý kiến của thiểu số hay của đa số”, ông Hiển chia sẻ.
Miễn thi 20%, giảm số môn thi, vì sao?
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến miễn thi cho tối đa 20% học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 dựa trên một số căn cứ, trong đó có tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong các năm gần đây. Hàng năm, trung bình khoảng 40-45% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi.
Như vậy với tỷ lệ tối đa 20% cho năm đầu tiên áp dụng đổi mới thi tốt nghiệp thì có thể tin tưởng rằng tất cả học sinh được miễn thi đều là xứng đáng.
“Nếu thấy cần thiết, Giám đốc Sở GD&ĐT căn cứ các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng dạy học, kết quả trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh…để xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường trên cơ sở bảo đảm tổng số học sinh được miễn thi của Sở không vượt quá 20%”, ông Hiển giải thích.
Lý giải vì sao Bộ không qui định các tiêu chí để xét cho tất cả học sinh đạt tiêu chí đều được miễn thi mà lại khống chế chỉ tối đa 20%, ông Hiển nói: “Nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất; chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự “cạnh tranh” lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường”.
Ông Hiển cho biết việc giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước tiếp cận yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 8. Theo đó, mục tiêu giáo dục của cấp THCS là trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, còn THPT thì tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sinh phổ thông có chất lượng.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ sẽ sớm đưa ra quyết định chính thức về đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Trước mắt, Bộ vẫn chờ thêm các ý kiến đóng góp, đặc biệt là của các đại biểu trong một hội nghị về đổi mới giáo dục phổ thông được tổ chức tại Hà Nội vào thứ Năm tuần này.