Văn chương về tình dục: Việt Nam lạc hậu trăm năm

Văn chương về tình dục: Việt Nam lạc hậu trăm năm
TP - Nhiều người cho rằng, ở Việt Nam đang có một cuộc cách mạng văn chương viết về tình dục và rằng văn chương viết về tình dục ở Việt Nam lạc hậu cả trăm năm so với thế giới.
Văn chương về tình dục: Việt Nam lạc hậu trăm năm ảnh 1
Các nữ văn sỹ Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo và Lidia Ravera (từ trái qua phải). Ảnh : PV

Ở Việt Nam, năm 1987, một nhà thơ nữ ở tuổi 40 chỉ có câu thơ “anh không cài lại khuya áo ngực cho em” đã gây xôn xao văn đàn. Sau đó 20 năm, một nữ nhà thơ tuổi 20 có bài thơ với từ “thèm chồng” cũng gây xôn xao.

Dưới đây là lược ghi ý kiến của ba nữ văn sĩ Việt Nam và Italia tại một cuộc thảo luận văn học ở Hà Nội cuối tuần trước nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế, 8/3/2009.

Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng: “Có những điều quá cũ trên thế giới, nhưng lại mới ở Việt Nam, gây nên những cơn chấn động không đáng có. Ở Việt Nam cách đây gần chục năm, có một người đàn ông chết vì tình. Tôi thấy đáng trân trọng. Anh chết đi để lại một kho tàng những bức ảnh khỏa thân rất trong trắng, những bức ảnh đó suýt nữa thì bị đem đi đốt. Điều đó cho thấy Việt Nam đi quá chậm so với thế giới.

Bây giờ lại có sự cởi mở, người ta cho rằng đó là cuộc cách mạng tình dục. Tôi thì cho rằng không phải vì cuộc cách mạng tình dục đã qua lâu rồi, Việt Nam chậm hơn thế giới mấy trăm năm. Phụ nữ khi viết thường đi tới bến. Đa phần thất vọng về tình dục, muốn dùng văn chương để nói về sự tiềm ẩn cuộc sống. Các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay được  tự do hơn trong khi viết, in ấn và xuất bản”.

Nhà văn Lê Minh Khuê thì cho rằng, tình dục như mặt khác của cuộc sống, nếu biết sử dụng sẽ rất đắc địa. Chị rất hâm mộ nhà văn Ernest Hemingway bởi cách viết về tình dục hết sức tinh tế của ông. Không nên cấm đoán vì cuộc sống như thế nào thì phản ánh như thế ấy.

Ở một xã hội cởi mở như nước Ý, vấn đề văn chương và tình dục qua lăng kính của nhà văn Lidia Ravera (Italia) là thái quá và cần phải làm lại từ đầu.

Chị cho biết, ở Ý bất cứ lúc nào trên truyền hình cũng có cảnh phụ nữ khỏa thân như là một cách thỏa mãn đàn ông. Cách mạng tình dục là tốt nhưng, khi bị thương mại hóa, nó trở nên tầm thường.

Theo chị, trong văn chương, quan trọng là viết như thế nào chứ không phải là viết cái gì. Văn học là phong cách, là sự tìm tòi. Tác phẩm đầu tiên của chị là viết về sex, rất nhiều và thái quá.

Đó không phải là tình cờ, mà là tiếng nói nội tâm của một người theo xu thế tự do muốn vượt ra, khi ấy chị 20 tuổi (năm 1967). Tác phẩm đó được dịch ra nhiều thứ tiếng. 20 năm sau, chị vẫn viết về tình dục.

Lidia nói: “ Ở Ý và ở châu Âu, viết về tình dục là một mánh khóe sáo mòn.  Mặc dù vậy, sách tình dục vẫn bán chạy. Tuy nhiên hiện nay, ở Ý, gây chú ý nhiều hơn là viết về người không có tình dục. Tôi nghĩ, cuốn sách tiếp theo của tôi sẽ viết về thầy tu vì sách tình dục ở Ý đang là thái quá”.

Võ Thị Hảo tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị về làm biên tập viên tại Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc, rồi làm báo, viết văn. Những tác phẩm được chú ý của chị: Người sót lại của rừng cười, Giàn Thiêu (tiểu thuyết lịch sử) và Người đàn bà.

Lê Minh Khuê là nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ. Chị đến với văn chương từ năm 1969,  từng làm phóng viên báo Tiền Phong, Đài Phát thanh Giải phóng và biên tập viên NXB Hội Nhà văn. Tác phẩm đầu tay của chị là Những ngôi sao xa xôi. Tháng 7/2008, chị đoạt giải thưởng quốc tế Hàn Quốc qua tác phẩm "Những ngôi sao, trái đất dòng sông" .

Lidia Ravera bộc lộ tài năng văn chương từ khi mới bảy tuổi. Bài văn của chị xuất sắc tới mức nó được dán dọc hành lang trường tiểu học. 15 năm sau, chị cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay "Nếu con lợn biết bay" và bắt đầu nổi lên trên văn đàn.

Sách của Ravera được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán được 2,3 triệu bản trong vòng 23 năm qua. Nhưng theo chị, bài viết lúc bảy tuổi vẫn ấn tượng nhất. Cho đến giờ, chị đã viết 24 tiểu thuyết, 11 bài hát, nhạc kịch, opera và hàng trăm bài báo, kịch bản phát thanh, kịch bản sitcom, kịch sân khấu.

MỚI - NÓNG