Văn Cao và Trịnh Công Sơn, tri âm với tri âm

0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thân thiết bên nhạc sĩ Văn Cao trong một cuộc gặp
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thân thiết bên nhạc sĩ Văn Cao trong một cuộc gặp
TP - Sau ngày nước nhà thống nhất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra Hà Nội gặp nhạc sĩ Văn Cao. Cuộc gặp này đã mở ra tình bạn vong niên giữa hai nhạc sĩ lớn của hai miền Nam-Bắc, như tri âm gặp tri âm.

Tình bạn vong niên

Trước đợt bùng phát dịch COVID-19 gần nhất không lâu, tôi được họa sĩ Văn Thao gọi điện bảo đến gặp ông có chút việc. Nhiều năm nay, họa sĩ Văn Thao sống tại trang trại của gia đình ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Hòa Bình), mỗi khi về Hà Nội ông thường ở một căn hộ nhỏ tại phố Liễu Giai. Phố này nằm cạnh phố Văn Cao, con đường mang tên cha của họa sĩ Văn Thao.

Văn Cao và Trịnh Công Sơn, tri âm với tri âm ảnh 1

Hôm đó, họa sĩ Văn Thao hẹn tôi ở một quán cà phê gần nhà ông. Khi việc trao đổi xong xuôi, lúc ngồi nói chuyện, tôi nhận xét từ phố Liễu Giai này có thể trông ra phố Văn Cao, rồi xa hơn là phố Trịnh Công Sơn cạnh hồ Tây. Nghe nói, trước đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội là vào năm 1985, khi nhạc sĩ có dịp lưu lại Hà Nội khoảng một tháng. Hằng ngày, ngoài việc đi đây đó giao lưu gặp gỡ bạn bè, những buổi chiều rảnh Trịnh Công Sơn thường lên hồ Tây, ngắm nhìn phong cảnh nơi đây cùng bầy chim sâm cầm vỗ cánh bay lượn bên hồ. Khi đó, những ký ức, trải nghiệm và những con người sống tại đất Tràng An mà Trịnh Công Sơn từng gặp, từng quen đã hiện lên trong ông, để nhạc sĩ viết nên Nhớ mùa thu Hà Nội, trong đó có những câu: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…”.

Lời nói của tôi đã khơi gợi những điều họa sĩ Văn Thao biết về tình bạn giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhạc sĩ Văn Cao, trong đó có những tình tiết liên quan đến bài Nhớ mùa thu Hà Nội. Họa sĩ Văn Thao kể, sau khi nước nhà thống nhất, một hôm ông đang ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Văn Cao thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa, Văn Thao thấy khách là nhạc sĩ Hồng Đăng và Trần Tiến đến chơi, phía sau còn một người nữa đội mũ vải mềm, đeo kính trắng gọng đồi mồi to trên khuôn mặt gầy. Vào nhà, người mà gia chủ vẫn chưa quen mặt ấy đến trước nhạc sĩ Văn Cao, lễ phép: “Dạ. Con chào chú”. Nhạc sĩ Hồng Đăng giới thiệu: “Thưa anh Văn, đây là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trong miền Nam ra. Sơn rất ngưỡng mộ anh nên chúng em đưa đến thăm anh”.

Nhạc sĩ Văn Cao lại không ngạc nhiên lắm trước sự xuất hiện của người khách lạ, đứng dậy bắt tay, cười: “Trịnh Công Sơn đây hả. Mình gặp cậu rồi…”. Thấy mọi người ngạc nhiên, nhạc sĩ Văn Cao giải thích: “Đã gặp qua tác phẩm”. Sau khi mời mọi người uống nước, nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ khi đất nước còn chưa thống nhất, một lần ông đến nhà một người bạn trẻ và được nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở đó. Đêm ấy, không biết học ở đâu mà những người trẻ tuổi tại cuộc gặp hôm đó đã hát cho Văn Cao nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn. Họ hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi ta duy nhất có trong nhà. Khi đó, Văn Cao lặng lẽ ngồi nghe. “Âm nhạc của Sơn đã đi vào chúng tôi như thế đấy”- nhạc sĩ Văn Cao nói.

“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi đi la đà giữa cõi người.

Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn xúc động trước những chia sẻ của nhạc sĩ Văn Cao, nhỏ nhẹ nói: “Dạ, cháu cảm ơn chú”. Nhạc sĩ Văn Cao liền xua tay: “Mình là thế hệ trước, cậu là thế hệ sau. Chúng ta cùng nghề không phân biệt tuổi tác làm gì. Từ giờ cứ gọi nhau là anh em cho thân mật”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắp tay, đáp: “Dạ. Cháu… Vâng, em cảm ơn anh”.

Họa sĩ Văn Thao cho biết, cuộc gặp hôm đó diễn ra rất thân mật và ấm áp. Các nhạc sĩ bàn luận với nhau về nghệ thuật, về sáng tác ca khúc…. Mà đã là nghệ thuật thì đâu còn khái niệm về tuổi tác.

Từ buổi gặp đầu tiên ấy, hằng năm mỗi khi ra Hà Nội, Trịnh Công Sơn đều đến gặp nhạc sĩ đàn anh. Văn Cao sinh năm 1923, Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Giữa họ là tình bạn vong niên. Và tình bạn vong niên ấy có sự tiếp nối khá lý thú. Đó là vào năm 1939, khi Văn Cao viết bài hát đầu tiên lúc tuổi 16 có tên Buồn tàn thu, thì đó là năm sinh của Trịnh Công Sơn. Năm 1958, khi Văn Cao dừng viết ca khúc thì đây là năm Trịnh Công Sơn ở tuổi 19 đã viết bài hát đầu tay với tên gọi Ướt mi. Và trong những buổi nói chuyện về sau, Văn Cao từng tâm sự tuy hai người mới được gặp nhau gần đây, nhưng ông có cảm giác như họ đã là bạn của nhau tự bao giờ. Dù giữa nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn còn có cả một thế hệ đệm.

Tri âm gặp tri âm

Mùa thu năm 1983, khi nhạc sĩ Văn Cao tròn 60 tuổi (tháng 11/1923-11/1983), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 3 (1983-1989). Thời gian này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng ra Hà Nội để tham dự đại hội. Và khỏi nói ông đã mừng vui thế nào trước sự trở lại của nhạc sĩ Văn Cao. Có thể nói, mùa thu năm 1983 đánh dấu thêm tình bạn vong niên bình dị giữa hai tài năng âm nhạc của đất nước.

Họa sĩ Văn Thao cho biết, vào một ngày mùa thu năm 1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nhà nhạc sĩ Văn Cao, hồ hởi: “Anh Văn, em vừa sáng tác một bài hát về mùa thu Hà Nội. Em hát thử anh nghe nhé”. Trịnh Công Sơn cho biết tên bài hát là Nhớ mùa thu Hà Nội, rồi ôm ghi ta hát: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió/Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”.

Tiếng hát của Trịnh Công Sơn vang trong căn phòng nhỏ, với những ca từ hay về Hà Nội. Có thể thấy, sau những năm ra Hà Nội, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, Trịnh Công Sơn đã có cái nhìn riêng về vùng đất Thủ đô văn hiến. Đó là vùng đất cổ xưa, trầm mặc, thiêng liêng trong ký ức mọi người với những ngôi nhà cổ, mái ngói thâm nâu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… Những hình ảnh này khó có thể gặp ở bất cứ đâu.

“Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người hát thơ bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.

Văn Cao

Trịnh Công Sơn đã hát đoạn cuối: “Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người/Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai/Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”. Nghe đến đây, tưởng chừng bài hát đã kết thúc, nhưng Trịnh Công Sơn bất ngờ lắng xuống bởi câu hát cuối cùng: “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Nhớ đến một người, để nhớ mọi người”.

Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Trong lúc Trịnh Công Sơn hát, cha tôi lặng lẽ nghe. Tới đoạn gần cuối, ông ngẩng lên, ngỡ bài hát đã kết thúc. Đến khi nghe Trịnh Công Sơn hát nốt câu cuối, cha tôi nhận xét: “Sơn viết hay quá. Nhiều nét tinh túy của Hà Nội đọng lại trong bài hát. Nhưng bài hát đó kết thúc ở câu “Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi” là được rồi, sao còn thêm đoạn vĩ thanh vào làm gì?”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cười: “Đúng là em định kết thúc ở câu đó rồi, nhưng rồi lại nhớ đến anh nên em thêm phần vĩ thanh đó vào. Nhớ đến một người là nhớ đến anh, như vậy được không?”. Cha tôi gật đầu cười”.

Để nhớ tới Văn Cao, nhớ nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn từng có một bài viết kể lại một cuộc gặp giữa hai người. Bài viết mở đầu với cách hành văn, dấu chấm, dấu phẩy khá lạ: “Mùa thu. Gõ cửa. Vào. Anh Văn Cao ngồi trước chiếc bàn có tẩu thuốc lào và ly rượu, 8 giờ sáng. Không bao giờ ra Hà Nội mà tôi không ghé thăm anh Văn. Anh Văn ngồi. Ngồi ở sập cũ kỹ như đã ngồi hằng trăm năm. Ngồi tóc bạc phơ, râu cũng bạc phơ… Anh nói: Lấy cái ly sạch cho Sơn đi bà”. Sau khi mô tả cuộc gặp, Trịnh Công Sơn viết tiếp: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi đi la đà giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư. Quanh anh Văn là tranh, là thơ, là nhạc. Vốn liếng cạnh tôi cũng là tranh, là thơ, là nhạc. Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng, anh là anh mà tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng…”.

Năm 1991, Trịnh Công Sơn xuất bản tập tình khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”. Trước đó, Văn Cao đã viết Lời bạt cho tập nhạc này: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người hát thơ bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. Mãi hơn một năm sau ngày 30/4, chúng tôi mới thực sự nhìn mặt cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ…”. Rồi Văn Cao nhận xét về phong cách sáng tác của người bạn vong niên: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975… Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc của Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm…”.

Hai nhạc sĩ tài danh đã viết về nhau như thế. Chỉ có tâm hồn đồng điệu của người yêu nhạc mới có thể cùng lắng nghe và chia sẻ như vậy cho nhau. Như lời của một tri âm với tri âm.

Họa sĩ Văn Thao cho biết, năm 1995, nghe tin nhạc sĩ Văn Cao mất, Trịnh Công Sơn vội ra Hà Nội. Ông đến trước lễ viếng một ngày. Tới nhà Văn Cao, Trịnh Công Sơn cứ níu lấy vợ nhạc sĩ mà khóc. Tại lễ tang, Trịnh Công Sơn đứng sững trước linh cữu Văn Cao.

Trước đây, từ khi hai nhạc sĩ gặp nhau, cả nhà nhạc sĩ Văn Cao đều yêu quý Trịnh Công Sơn, coi ông như người thân trong gia đình. Sau khi nhạc sĩ Văn Cao mất, mỗi lần có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Văn Thao đều đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và biếu ông chai rượu. Đây là loại rượu nếp cái hoa vàng mà trước đây mỗi lần Trịnh Công Sơn đến chơi, Văn Cao lại mang rượu này ra mời. Trịnh Công Sơn khen rượu ngon, gọi đó là “rượu Văn Cao”. “Sau này, mỗi khi nhận “rượu Văn Cao”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại đặt lên bàn thờ thắp hương cẩn thận. Những lần như vậy, anh thường nói với tôi: “Thao ơi, mình nhớ anh Văn quá”- Họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông chia sẻ: “Năm 2001, được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, vợ chồng tôi đã vào viếng. Vậy là trong 6 năm, cha tôi và người bạn vong niên của ông đã không còn. Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm giữa hai nhạc sĩ, tôi rất xúc động”.

Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Khi được nghe những ca từ mở đầu bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, tôi nhớ tới phố Yết Kiêu nhà mình trước có trồng một dãy bàng. Vào tiết giá lạnh mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ như mang lại chút hơi ấm khiến lòng ta xao xuyến. Còn có lần chia tay cha tôi tại phố Yết Kiêu, Trịnh Công Sơn tản bộ về ở tại một khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt, nơi có một số cây cơm nguội. Khi mùa thu tới, lá cây chuyển màu vàng, góp thêm chút bâng khuâng lãng mạn của tiết thu”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.