Vẫn cần chính xác

Vẫn cần chính xác
TP - Lâu nay nhiều ông Tây An Nam đã bê nguyên con số trong văn Anh Mỹ để áp vào chính tả tiếng Việt. 

Thử nêu ví dụ này: Khoản tiền còn thiếu là 200,000 đô la. Viết thế này, người Việt sẽ hiểu là chỉ có 200 đô la. Dấu phẩy trong tiếng Anh khi chuyển sang tiếng Việt phải chuyển thành dấu chấm, phải là 200.000 đô la thì mới đúng là hai trăm nghìn hoặc hai mươi vạn đô la.

Tôi thấy cách đặt dấu sai này đã vào đến nhiều bảng biểu kế toán của các cơ quan. Đành phải tự bảo rồi một lúc nào đó, từ điển tiếng Việt cũng phải chấp nhận nó. Cũng coi thay đổi chính tả như thay đổi một thói quen mà thôi.

Cũng là chuyện con số, nhưng là cách viết liên quan đến năm tháng. Lấy một ví dụ: quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa năm chín lăm. Có người còn viết là năm 95. Đọc thì hiểu là năm 1995, vì cái năm ấy chưa xa lắm. Cũng như câu: Sau năm bảy lăm, đất nước thống nhất, thì hầu như đều hiểu đó là năm 1975.

Tuy vậy, sang đầu những năm 2000 rồi, nói 95 đây thì phía trước là năm 2095, còn xa, nhưng nhân loại đã đi qua nhiều năm 95, chẳng hạn 1895, 1795, hoặc chính là năm 95 Công nguyên. Không nên viết tắt là năm 95, nếu viết tắt thì nên thêm cái dấu chứng tỏ mình viết tắt: ’95. Nhưng nhìn chung là nên viết đầy đủ: 1995.

Thêm nữa, tôi muốn tham khảo tiếng Anh về cách dùng số nhiều để xác định thập kỷ, và vẫn viết: những năm 1990. Người phản biện sẽ bảo, chỉ có một năm 1990 thôi. Đúng vậy, nhưng những năm 1990 là hàm ý một thập kỷ bao gồm năm 1990 đến 1999, là số nhiều, là những năm. Tiếng Anh viết: 1990s, chữ s đằng sau hàm ý số nhiều, đúng nghĩa là những năm 1990.

Không ai bắt bẻ là chỉ có một năm 1990. Chỗ này thì nên tham khảo tiếng nước ngoài. Còn nói là những năm chín mươi thì không chính xác, không rõ nó thuộc về thế kỷ nào. Nếu không viết thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thì viết những năm 1990 cũng là được.

Cũng là một cách dùng quen mà không chính xác: Năm 30 sau Công nguyên. Ta đang sống trong Công nguyên mà, kỷ nguyên ấy đã hết đâu mà gọi là sau Công nguyên. Tôi thì vẫn viết là năm 30 Công nguyên, để phân biệt với năm 30 trước Công nguyên, bảo đảm không sai.

Người ta còn quen dùng một cụm từ theo kiểu: Lễ kỷ niệm 38 năm ngày thống nhất đất nước. Đã năm lại còn ngày. Vẫn hiểu ý tứ chỗ này: Kỷ niệm 38 năm vào đúng ngày thống nhất. Tôi từ chối lối hành văn này, mà viết: Lễ kỷ niệm 38 năm thống nhất đất nước, sau đó ghi chính xác cái ngày. Đủ. Và chính xác.

Nói tiếp chuyện thiếu chính xác, trong cuốn Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch), ta nhặt được một câu: Vừa tháo cái khăn đang đội trên đầu ra phủi bụi bám trên quần áo, tôi vừa nhìn ông cùng chiếc xe đạp đang dần mất hút…Gánh nặng trên đầu đã biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường (tr. 258).

Tôi nhớ thời sinh viên, một cô bạn từ bé mới bước chân về nông thôn có vài lần, còn ở thành phố cô chỉ vài lần thấy con bò kéo xe. Một hôm, đang đi trên đường phố Hà Nội, cô bất ngờ thấy một con bò không kéo xe. Thốt lên: Ô, bò đi bộ. Cả đám bạn bè được một trận cười. Cô mới chỉ thấy bò kéo xe, tức là bò đi xe, bây giờ lần đầu tiên cô thấy bò không đi xe. Nó đi bộ.

Kể lại chuyện cũ để thấy rằng dịch giả có thể cũng giống cô bạn kia, có thể chưa bao giờ thấy người ta gồng gánh trên vai. Một chiếc đòn gánh đặt trên vai, hai đầu đòn gánh móc vào hai cái dây quang, dây quang mang mỗi bên một cái thúng hoặc rổ hoặc bồ, thậm chí là hai cái sọt. Tóm lại, gánh là gánh bằng vai. Nặng hay nhẹ thì cũng gánh trên vai. Chẳng ai đặt đòn gánh lên đầu mà gánh cả.

Thêm câu này nữa để cười cho vui, nếu như có thể cười được: Con chó vẫy đuôi khi được anh vuốt ve trên người nó. 

Đùa một tí, không hề có ý nặng lời: Chó mà lại là người được sao? Lại vẫn là viết quen tay. Trên mình nó chứ nhỉ. Trên thân nó chứ nhỉ. Hay là người viết còn hàm ý nào khác?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.