Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao?

Đạo diễn Việt Tú cho rằng văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định vở diễn 'Tinh hoa Bắc Bộ' là tác phẩm phái sinh từ vở thực cảnh 'Ngày xưa', là bằng chứng quan trọng sẽ giúp anh thắng kiện. Tuy nhiên, giá trị pháp lí của văn bản này khó có thể hỗ trợ Việt Tú trong vụ kiện.

Chiều 14/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại, tranh chấp về quyền sử hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và bị đơn - Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS đã thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng xã hội.

Một tình tiết đáng chú ý là tại phiên xét xử đầu tiên, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã công bố văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (gọi tắt là Hội Nghệ sĩ) trả lời công văn số 163/2018/CV-TKT, ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. 

Trong Văn bản này, Hội Nghệ sĩ đã đưa ra những ý kiến đáng giá, nhận định chuyên môn liên quan đến hai kịch bản của vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ và vở diễn Ngày xưa. Vậy văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ có giá trị pháp lí như thế nào?

Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 1 Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa ngày 14/3

Giải đáp câu hỏi trên, luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM cho biết, theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL, giám định quyền tác giả là một phần của giám định về sở hữu trí tuệ và được định nghĩa như sau:

"Giám định quyền tác giả, quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định".

Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 2 Luật sư Phan Vũ Tuấn

Từ định nghĩa trên, có thể thấy, việc giám định quyền tác giả được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Điều này có nghĩa là, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có thẩm quyền để thực hiện việc giám định này. 

Chỉ những tổ chức đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cở sở vật chất – kĩ thuật… những cá nhân đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nhất định và được cấp Thẻ giám định viên thì mới có đủ thẩm quyền để thực hiện hoạt động giám định quyền tác giả (Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 3 Hình ảnh vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ

Kết luận giám định nếu đảm bảo được các thuộc tính về (i) tính khách quan (là những gì có thật); (2) tính liên quan (là căn cứ để xác định yêu cầu hay phản đối là có căn cứ và hợp pháp hay không); (iii) tính hợp pháp (được giao nộp hoặc thu thập bởi tòa án theo đúng trình tự do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định) thì sẽ được xem là một nguồn chứng cứ, theo quy định tại Điều 93, Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Vì thế, về mặt pháp lí, việc giám định và kết luận giám định không mang tính bắt buộc và không phải là yếu tố duy nhất để cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra kết luận có hay không có hành vi vi phạm, xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ.

"Thực tế, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 4 giám định viên có thẩm quyền thực hiện giám định quyền tác giả và cũng chỉ mới có duy nhất một tổ chức là Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (Expertise Center of Copyright, Related Rights – ECCR), trực thuộc Cục Bản quyền tác giả, được thành lập theo quyết định số 1981/QĐ-BVHTTLD ngày 03/06/2016, là có đủ thẩm quyền thực hiện hoạt động giám định này",luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, Hội Nghệ sĩ theo quyết định số 26/2005/QĐ-BNV ngày 25/02/2005 của Bộ Nội vụ, chỉ là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp mang tính sáng tạo của các nghệ sĩ, các nhà hoạt động sân khấu tự nguyện có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền sân khấu Việt Nam. 

Hội là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và hoạt động theo mục đích, tôn chỉ là xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối văn hóa của Đảng.

Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 4  
Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 5  
Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 6  
Văn bản giám định 'Tinh hoa Bắc Bộ' có giá trị pháp lí ra sao? ảnh 7  

Văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Với tư cách là một tổ chức được đặt dưới sự lãnh đạo, quản lí của Đảng và Nhà nước, mọi hoạt động của Hội phải trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. 

"Rõ ràng, Hội Nghệ sĩ không trực thuộc Cục Bản quyền, không phải là Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan thì mặc nhiên Hội Nghệ sĩ không có chức năng, thẩm quyền thực hiện việc giám định quyền tác giả đối với kịch bản hai vở diễn đã nêu. Và cho dù các thành viên của Hội có là các cá nhân "có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp cao" như thế nào, nếu không phải là giám định viên được cấp Thẻ giám định thì cũng không thể và không có thẩm quyền thực hiện việc giám định này.

Vì tất cả những lẽ trên, có thể kết luận, văn bản gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội của Hội Nghệ sĩ hoàn toàn không mang giá trị pháp lí của một văn bản giám định quyền tác giả theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL. Do đó, không thể xem đây là một kết luận giám định để làm nguồn chứng cứ giải quyết tranh chấp giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS", Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM nhận định.

Việc tranh chấp bản quyền vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ bắt đầu từ năm 2017 sau khi Công ty Tuần Châu Hà Nội công diễn vở thực cảnh và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tinh hoa Bắc Bộ cũng là tác phẩm nhận kỉ lục Guinness Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ đã "đánh cắp" ý tưởng từ vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) mà anh từng cộng tác thực hiện với Tuần Châu Hà Nội trước đó và khẳng định anh mới là chủ nhân ý tưởng sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Mặt khác, phía Tuần Châu cho rằng, họ là đơn vị đầu tư xây dựng kịch bản vở diễnNgày xưa nên phải được sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng kí bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu Thuở ấy xứ Đoài.

Do đó, tháng 3/2018, chủ đầu tư Tinh hoa Bắc Bộ đâm đơn kiện Việt Tú, yêu cầu bồi thường 6,2 tỉ đồng với lí do đạo diễn cố ý xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng kí bảo hộ quyền tác giả, kịch bản, ý tưởng sân khấu thực cảnh. Đồng thời, nam đạo diễn phải trả lại quyền sở hữu tác phẩm cho Tuần Châu.

Theo Theo Đời sống & Pháp lý
MỚI - NÓNG