> Khi VFF muốn giữ quyền quản lý VPF
> Bầu Đức 'phản pháo' VFF
Giải thích của chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ trước vấn đề Tiền Phong đặt ra, là VFF sẽ thực hiện quyền quản lý của mình với VPF như thế nào, trong điều kiện liên đoàn cũng là một cổ đông của VPF.
Vị trí pháp lý của VPF (Công ty bóng đá chuyên nghiệp VN) với VFF là vấn đề đang được quan tâm và gây nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây. Trả lời báo giới sáng qua bên lề Lễ công bố nhà tài trợ chính VFF cup 2011, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Theo điều lệ, VPF sẽ là thành viên không trực thuộc của LĐBĐVN. Tính chất của VPF giống như một công ty, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL, quản lý về chuyên môn của VFF. Toàn bộ vấn đề chuyên môn của VPF, VFF có trách nhiệm quản lý, nhưng không mang tính chất quyết định vì còn có sự tham gia của các CLB. Các hoạt động kinh doanh của VPF tuân theo luật doanh nghiệp”.
Theo ông Viễn, việc xác định vị trí pháp lý của VPF với VFF là rất cần thiết, và đã được ghi rõ trong điều lệ. “Giống như các LĐBĐ địa phương, dù không phải cấp dưới của VFF nhưng khi tham gia thì phải tuân thủ điều lệ của VFF”- ông Viễn giải thích thêm.
Trước vấn đề Tiền Phong nêu, là VFF sẽ thực hiện quyền quản lý đối với VPF như thế nào, thông qua số cổ phần 35,6% (cổ đông nắm quyền phủ quyết), hay cơ chế khác, ông Viễn không đưa ra câu trả lời cụ thể mà chỉ cho biết: “Đây là một cơ chế mở. VPF là doanh nghiệp hoạt động độc lập, và trong HĐQT đã có thành viên của VFF rồi”.
Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, điều lệ quy định VPF là thành viên của VFF, nhưng trong đề án thành lập VPF, VFF lại là cổ đông với cổ phần 35,6%. Như vậy liệu có gây mâu thuẫn và làm nảy sinh “sự cố” trong thực tế hoạt động của VPF, đặt trong mối quan hệ luẩn quẩn với VFF hay không?
Trao đổi với Tiền Phong, chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ giải thích: “Trong điều lệ của VFF được Bộ Nội vụ phê chuẩn, thì thành viên của VFF bao gồm: các LĐBĐ tỉnh, thành phố (địa phương), các CLB bóng đá CN, hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba, CLB bóng đá nữ, Futsal… và Ban tổ chức giải. Công ty VPF được thành lập để làm nhiệm vụ của BTC nên VPF sẽ là thành viên của VFF”. Và “ VPF là công ty cổ phần mang tính đặc thù. Không phải VFF có quyền phủ quyết mà đại diện 35,6% nắm quyền trên, theo luật doanh nghiệp”.
Liên quan đề án thành lập VPF, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn hôm qua cho biết, các nội dung cơ bản của điều lệ, quy chế công ty… đã hoàn tất. Ngay hôm qua, đề án đã được chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký để trình lên Bộ VH-TT&DL phê duyệt. Về cơ cấu, HĐQT của VPF sẽ bao gồm 9 người. Trong đó, VFF có ba thành viên, các CLB ngoại hạng (CLB chuyên nghiệp tham dự V.League hiện nay) có bốn thành viên, hạng Nhất một thành viên, và một thành viên của tổ chức khác ngoài xã hội. Ông Viễn cũng nói thêm, muốn gọi tên công ty là Công ty cổ phần V.League (V.League Joint Stock Company), sẽ thích hợp với tính chất của công ty này hơn.
U23 VN bội thu tiền thưởng Trong lễ công bố nhà tài trợ VFF cup 2011 diễn ra sáng qua, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, ngoài khoản tiền thưởng 22 tỷ đồng của “bầu” Đức và Ngân hàng Eximbank, VFF sẽ có khoản tiền thưởng riêng cho đội tuyển U23 VN nếu giành HCV SEA Games 26. Ông Hỷ không cho biết con số cụ thể, đồng thời tiết lộ, nhiều nhà tài trợ khác cũng sẵn sàng thưởng thêm cho thầy trò HLV Falko Goetz. “Căn cứ vào thành tích cụ thể, không nhất thiết phải giành HCV, VFF sẽ có khoản thưởng riêng”-chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nói. Theo ông Hỷ, việc treo thưởng lớn của “bầu” Đức và Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (đồng thời là chủ tịch HĐQT Eximbank) sẽ không làm “nặng gánh” đội U23 VN ở SEA Games 26. |