Vai trò “bà đỡ”

TP - Ở huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam), thông tin cho biết cả “hệ thống chính trị” đã và đang“vào cuộc” để giúp bà con nghèo, bà con dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên làm giàu.

Nhiều cán bộ được phân công “kèm cặp” các gia đình nghèo, hướng dẫn họ cách làm ăn sinh sống, từ chăn nuôi trồng trọt đến cách tổ chức cuộc sống sinh hoạt. Từ lâu, mối quan hệ người dân-chính quyền luôn đa dạng và ở mỗi tình huống, hoàn cảnh lại mang một màu sắc khác.

Với đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có thể còn hạn chế về nhận thức và lối sống, chuyện “cầm tay chỉ việc” là có thể hiểu được và rõ ràng đã phần nào phát huy kết quả khi một số hộ ở Nam Trà My đã thoát nghèo, chí thú làm ăn hơn trước.

Nhưng trong nhiều mối quan hệ chính quyền-người dân khác, tư duy “cầm tay chỉ việc”, “bao cấp về tư duy” dường như vẫn tồn tại trong một bộ phận quan chức quản lý. Điều này trái ngược với những gì chính phủ đã và đang cam kết. 

Mới đây, phát biểu với báo chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói thẳng rằng chính phủ không thể dạy khôn doanh nghiệp khi nhận định về các thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối đầu khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Ông nhấn mạnh: “Chính phủ chỉ đi đàm phán, ký kết các hiệp định để mở cửa thị trường chứ không phải là người tham gia cạnh tranh trực tiếp, chính các doanh nghiệp phải đương đầu nên nếu không bước ra để cạnh tranh thì chết”.

 Và đối với rất nhiều doanh nghiệp, có lẽ điều họ cần hơn cả ở chính quyền là vai trò “bà đỡ”, doanh nghiệp không cần làm thay và nghĩ thay. 

Trong một văn bản mới đây gửi Thành ủy và UBND TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu kiến nghị để giải quyết các tồn đọng của thị trường bất động sản, việc cần làm là hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, xóa bỏ những nội dung bất cập, thậm chí chồng chéo trong hệ thống văn bản quản lý mà chính quyền ban hành. 

Ông Châu viết: “Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp “ký nhanh hơn”, đừng xử lý hồ sơ với thái độ “hành là chính” thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp, như một đồng chí lãnh đạo vừa mới phát biểu “Chính phủ không thể “dạy khôn” doanh nghiệp”, vì cộng đồng doanh nghiệp trước hết đã góp phần “nghĩ hộ” trên cơ sở tính toán đầy đủ hiệu quả đầu tư”.

Những câu chuyện trên cho thấy mối quan hệ giữa dân/doanh nghiệp và chính quyền luôn có những đặc điểm khác nhau tùy theo hoàn cảnh, tình hình, nhưng bao giờ thì chính quyền cũng cần đóng vai trò “bà đỡ” cho mọi sự phát triển.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.