Vải thiều Thanh Hà sang Pháp, khai thông thị trường châu Âu nhờ EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng gần 1 tấn vải thiều sẽ được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường
Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng gần 1 tấn vải thiều sẽ được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường
TPO - Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng gần 1 tấn vải thiều sẽ được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, lô hàng 1 tấn vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.

Theo ông Sơn, với tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.

Theo ông Vũ Anh Sơn, quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch COVID-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương cho hay, hiện chưa nhiều người Pháp biết đến hương vị thơm ngon đặc trưng của trái vải thiều Việt Nam. Do đó, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp cùng nhiều Thương vụ Việt Nam tại khu vực thị trường EU để thiết kế, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trái vải cũng như nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tiềm năng và triển vọng khác của Việt Nam tại EU.

Tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn mỗi năm. Madagasca là nhà cung cấp vải lớn nhất cho châu Âu, với nguồn cung các loại trái cây ngoại lai (chủ yếu là vải) là hơn 15,5 nghìn tấn, phần lớn dành cho thị trường Pháp.

Trước năm 2017, phần lớn trái vải được nhập khẩu qua cảng biển của Bỉ nhưng sau khi Pháp có đường vận chuyển trực tiếp, lượng nhập khẩu vải qua Bỉ đã giảm từ 14 nghìn tấn (năm 2016) xuống còn 7 nghìn tấn (năm 2017). Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho Châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp thông qua đường hàng không.

Theo ông Phú, tới nay, vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập vào Pháp nhưng đều qua các kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác hoặc đưa vào Pháp từ các nước châu Âu khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.

Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại phát triển được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào Paris có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung.

Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng tương tự được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022, nếu như doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đảm bảo được chất lượng.

MỚI - NÓNG