Vài kỷ niệm về quan hệ Việt - Xô

Ông Vũ Khoan (đứng, ở giữa) trong lần được dự buổi Bác Hồ tiếp đón các em học sinh trường tiểu học mang tên Hồ Chí Minh tại Liên Xô. Ảnh: tư liệu
Ông Vũ Khoan (đứng, ở giữa) trong lần được dự buổi Bác Hồ tiếp đón các em học sinh trường tiểu học mang tên Hồ Chí Minh tại Liên Xô. Ảnh: tư liệu
TP - LTS: Ngày 30/1/1950, Liên Xô (Liên bang Nga hiện nay), một trong những nước đầu tiên công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt, thủy chung, hợp tác sâu rộng toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc suốt 70 năm qua. Tiền Phong số Tân niên 2020 trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan về sự kiện đáng nhớ này.

Tết Canh Tý trùng hợp với hai sự kiện có mối quan hệ mật thiết với nhau đã “đổi đời” đất nước ta từ một thuộc địa thành một quốc gia độc lập, từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới thành một quốc gia có vị thế cao trên vũ đài quốc tế. Đó là lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lần thứ 70  ngày Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đối với cuộc đời một con người, 70 tuổi đã thuộc loại “xưa nay hiếm”, còn đối với lịch sử quan hệ giữa các dân tộc, 70 năm không phải là thời đoạn quá dài song cũng đủ để đánh giá sự thăng - trầm, thuận -  nghịch.

May mắn được chứng kiến, thậm chí được tham gia trực tiếp vào quá trình tiến triển của mối quan hệ Việt - Xô và Việt - Nga, trong tiềm thức tôi luôn đọng lại bao kỷ niệm về mối quan hệ đặc biệt này.

Vài kỷ niệm về quan hệ Việt - Xô ảnh 1

Bác Hồ duyệt đội danh dự Quân đội Xô Viết trong chuyến thăm Liên Xô 1955

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đại diện các nước đồng minh chống phát-xít vào Việt Nam tước vũ khí phát xít Nhật, lần đầu tiên tôi thấy lá cờ lạ hoắc màu đỏ có in hình búa liềm màu vàng và ngôi sao vàng nho nhỏ ở  góc trái treo cùng cờ thanh thiên bạch nhật của Trung Hoa Quốc dân Đảng, cờ Mỹ, Anh, Pháp. Người ta bảo đó là quốc kỳ của “Nga Xô”. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên tôi được thấy những hình ảnh đẹp đẽ, hoành tráng về Liên bang Xô-viết trong tờ họa báo L’Union Sovietique. Từ đó tôi luôn ước mơ về nước Nga xa xôi, giống hệt như lão già trong bài thơ “Lão đầy tớ” của nhà thơ Tố Hữu!

Thế rồi trong rừng sâu Việt Bắc vào năm 1950, bọn trẻ chúng tôi từng hào hứng tay cầm tay nhảy điệu “son lá sòn” xung quanh đống lửa trại chào mừng thắng lợi của chiến dịch biên giới và sự kiện lịch sử: Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có ngờ đâu sau đó một năm Trường Thiếu sinh quân Trung ương của chúng tôi được đưa sang trú ở Quảng Tây (Trung Quốc) và ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, 100 anh chị em chúng tôi được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga làm phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô sẽ vào giúp miền Bắc nước ta xây dựng lại sau chiến tranh. 

Vài kỷ niệm về quan hệ Việt - Xô ảnh 2

Bác Hồ và hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô Bredjnev (ngoài cùng bên phải) và Suslov  trong một lần Bác sang nghỉ tại Yanta

Năm 1956 tôi bỗng được điều động ra công tác tại Đại sứ quán (ĐSQ) nước ta ở Mát-xcơ-va và từ ngày ấy cho tới khi nghỉ hưu, công việc của tôi ít nhiều đều gắn với mối quan hệ Việt - Xô, sau 1991 là Việt - Nga. Đằng đẵng sáu thập kỷ lăn lộn trong nghề để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu đậm về mối quan hệ giữa hai nước. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ vài câu chuyện và cảm nghĩ về mối quan hệ đó.

Có thể nói, 100 anh chị em “Nga văn” chúng tôi nằm trong số những người Việt Nam đầu tiên được hưởng thành quả của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Xô.
Bên cạnh cảm giác ngỡ ngàng về một nước Nga kỳ vĩ là những ấn tượng sâu nặng về những con người Nga nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn mà điển hình là các thầy, cô giáo Nga coi sóc, dạy dỗ chúng tôi như con em ruột thịt. 

Một trong những sự viện trợ quý báu mà Liên Xô dành cho nước ta là đào tạo hàng vạn cán bộ thuộc mọi ngành, mọi cấp đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học và cả chính trị, an ninh - quốc phòng của nước ta.

Sự trợ giúp vật chất của Liên Xô dành cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ta suốt mấy chục năm trời thật khó tả xiết. Sự trợ giúp ấy đâu chỉ là quân dụng, lương thực, hàng hóa…; đằng sau là tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của những con người Xô-Viết dành cho Việt Nam.

Thực ra cuộc sống của người dân Liên Xô còn biết bao cơ cực. Tôi thực sự bị sốc khi tới thăm nhà thầy giáo, bạn bè ngay ở thủ đô chứ không phải đâu xa. Phần lớn họ sống trong các căn hộ “cô-mun-ca”, nghĩa là “căn hộ chung cư” với căn bếp và phòng vệ sinh chung.  Ở đó mỗi gia đình chen chúc nhau trong một căn buồng vỏn vẹn 10 - 15 mét vuông! Nghèo vậy mà họ phải gánh biết bao “nghĩa vụ quốc tế”. Riêng đối với bọn chúng tôi, bạn đã dành những sự ưu đãi vượt xa mức sống của các thầy cô nuôi dậy mình! Ấy vậy tôi chưa bao giờ nghe thấy bất cứ người nào than vãn về điều này.

Vài kỷ niệm về quan hệ Việt - Xô ảnh 3

Máy bay MIG Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam những năm chiến tranh

Cá nhân tôi may mắn được tai nghe mắt thấy, thậm chí được trực tiếp tham gia những sự kiện thể hiện tinh thần “hoạn nạn có nhau” của Liên Xô đối với nước ta. Ví dụ, tháng Hai năm 1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô-xư-ghin lần đầu tiên chính thức sang thăm Việt Nam. Đúng lúc ấy lính chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và không quân Mỹ bắt đầu ồ ạt đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, Liên Xô đã tích cực đáp ứng yêu cầu của ta, cung cấp các loại khí tài hiện đại như tên lửa SAM, máy bay tiêm kích MIG…giúp nhân dân ta kháng chiến cứu nước. 

Rồi tháng 12/1972, tôi được cử đi theo đồng chí Trường Chinh sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên bang Xô-Viết đúng lúc Mỹ tiến hành cuộc không kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Theo yêu cầu từ trong nước, đồng chí Trường Chinh đã đặt vấn đề với bạn cung cấp bổ sung gấp tên lửa để đối phó với trận tập kích tàn bạo đó và bạn đã lập cầu hàng không đưa thêm khí tài sang nước ta... 

Đó là chưa kể tình cảm, nghĩa cử đầy cảm động của bạn trong việc bảo quản thi hài Bác Hồ.
Điều đặc biệt là các khoản vay của nước ta giá trị lên tới hàng chục tỷ USD đều được Liên Xô và Liên bang Nga sau này tuyên bố “không hoàn lại”.

Những biểu hiện “vui mừng có nhau” cũng không ít. Tôi không bao giờ quên niềm hân hoan khi được đi đón Bác Hồ và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta lần đầu tiên sang thăm chính thức Liên Xô vào năm 1955. Suốt dọc đường từ sân bay Vnúc-cô-vô I về điện Crem-li cơ man nào là người mang theo cờ hoa chào mừng Bác cùng Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô- viết tối cao K.Vô-rô-si-lốp ngồi trên xe mui trần vẫy chào mọi người.

Tương tự như vậy, nhân dân Hà Nội đã hết sức hào hứng chào đón Chủ tịch K.Vô-rô-si-lốp sang thăm nước ta vào năm 1957 và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô-xư-ghin sang thăm Việt Nam năm 1965. Thế rồi dân ta vui sướng biết bao trước “sự kiện spút-nhích” năm 1957, khi Liên Xô lần đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh lên vũ trụ cũng như việc Iu.Ga-ga-tin là sứ giả đầu tiên của trái đất chinh phục vũ trụ, phi công vũ trụ số 2 là G.Ti-tốp sang thăm Việt Nam, tiếp đến là Phạm Tuân bay vào không gian trên tàu vũ trụ Liên Xô cùng Grô-bát-cô… 

Có thể có người hỏi: Chẳng lẽ trong quan hệ giữa hai nước không có khúc mắc, trục trặc gì à? Làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao, giao lưu với đại diện nhiều quốc gia, tôi xin thưa rằng, chẳng có mối quan hệ quốc tế nào không có khúc mắc cả; chỉ có điều ít hay nhiều, nặng hay nhẹ và phương cách xử lý ra sao mà thôi. 

Trong mối quan hệ giữa nước ta với các nước lớn thì cặp quan hệ Việt - Xô là xuôi chéo mát mái hơn cả. Một trong những minh chứng, Liên Xô chưa bao giờ chạm gươm, đọ súng hay đối đầu với Việt Nam, trái lại dành cho nhân dân ta sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng hòa bình.

Tiếng vậy cũng có lúc quan điểm của hai nước có phần vênh nhau. Chẳng hạn vì mục tiêu vượt Mỹ về trình độ phát triển trong vòng 20 năm và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản vào năm 80, ban lãnh đạo Liên Xô lúc đó đứng đầu là ông N.Khơ-rút-sốp đã thực thi chính sách vừa hòa hoãn vừa cạnh tranh với Mỹ, vì vậy đã có những sự dè dặt nhất định trong sự phản ứng trước những hành vi của Mỹ ở Việt Nam. 

Trong tình hình rối ren, hiểm nghèo như vậy chúng tôi được chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại vừa kiên định về nguyên tắc, vừa linh hoạt về sách lược của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta vừa bảo vệ những quan điểm mang tính nguyên tắc và lợi ích chính đáng của dân tộc mình, vừa tranh thủ bạn ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta, vừa hạn chế bất đồng bảo vệ sự đoàn kết giữa các nước XHCN và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. 

Vậy điều gì đã làm nên mối tình hữu nghị lâu bền, thắm thiết như vậy giữa nhân dân hai nước? Trước hết cần nhấn mạnh rằng, mối quan hệ ấy không chỉ bắt đầu 70 năm trước đây mà có nguồn gốc 102 năm trước, kể từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Theo thiển ý riêng tôi, phải chăng “chất keo” gắn kết mối tình ấy là những điểm tương đồng về vận mệnh của nhân dân hai nước: Việt Nam từng bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, còn các dân tộc trong Liên bang Xô-viết vốn bị kìm kẹp trong “nhà tù của các dân tộc” là đế quốc Nga Sa hoàng; nhân dân lao động hai nước đều đã vùng lên giành chính quyền về tay mình dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, đều phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc để bảo vệ Tổ quốc. Trong truyền thống văn hóa và tính cách của người dân hai nước Việt Nam và Nga có không ít điểm giống nhau; về nhiều mặt lợi ích của hai nước trùng khớp nhau.

Vài kỷ niệm về quan hệ Việt - Xô ảnh 4

Hợp tác dầu khí Việt - Xô mang lại hiệu quả kinh tế lớn

Bên cạnh những nhân tố khách quan như vậy có một nhân tố cực kỳ quan trọng, đó là Bác Hồ của chúng ta thực sự là “người đã xây dựng nên nền móng và dày công vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt - Xô”. Chính ở những tư tưởng của V.Lê-nin và quê hương của Cách mạng tháng Mười, Người đã tìm thấy con đường cứu nước và đã đích thân sang Liên Xô để tìm hiểu và hoạt động. Bác đã đưa nhiều thanh niên Việt Nam từ Pháp và từ trong nước sang Liên Xô học tập. Nhiều người trong số họ đã trở thành những lãnh tụ của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… 

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Người đã hoạt động không mệt mỏi để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô mà việc Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta vào 70 năm trước là một cột mốc quan trọng. 

Bác luôn thực hiện “ngoại giao tình nghĩa” thông qua tình cảm chân thành và phong cách giản dị, đầy tình người của Bác đối với Liên Xô, làm cho nhân dân nước bạn thêm yêu quý Người và nhân dân ta. Lần nào sang Liên Xô làm việc Bác cũng dành thời gian thăm lại bạn bè, gặp gỡ các tầng lớp nhân dân, nhất là các cháu thiếu nhi nước bạn; đặc biệt năm 1957 Bác đã “nghỉ dưỡng tích cực” bằng cách đi thăm tất cả 15 nước cộng hòa trong Liên bang Xô-Viết. Những thời khắc khó khăn trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Bác ứng xử hết sức có lý có tình.

MỚI - NÓNG