Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008)

Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008)
TP - Năm còn học cấp I ở trường làng, tôi đã được đọc Nguyễn Khải. Cuốn đầu tiên là tập truyện vừa Một chặng đường. Sau này trong tập Nhà văn Việt Nam hiện đại (Hội Nhà văn Việt Nam, 2007), khi liệt kê những tác phẩm đã xuất bản, không thấy ông nhắc đến cuốn sách trên.
Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) ảnh 1

Nhưng kể từ Một chặng đường, hầu như không có cuốn nào của ông ra đời mà tôi không tìm đọc. Với tôi, văn Nguyễn Khải là thứ văn xuôi thuần túy, nguyên chất.

Nó thật và tự nhiên như đời sống. Một thứ đời sống được soi chiếu, nhìn ngắm từ nhiều góc độ, không hề tô vẽ. Rất nhiều người viết văn xuôi ở ta có dây mơ rễ má với thơ, nhưng Nguyễn Khải thì tôi tin chắc là không.

Tôi vô duyên, tuy đọc Nguyễn Khải nhiều, nghe kể về ông nhiều, nhưng gặp gỡ chuyện trò với ông rất ít. Bây giờ ngồi nhớ lại đâu như chỉ có vài ba lần. Tuy nhiên qua những lần ít ỏi ấy cũng đủ nhận ra ông không khác lắm so với con người mà mình đã hình dung khi đọc.

Lần ấy ông đến dự khai mạc một trại sáng tác. Tôi ngồi ở hàng ghế sau cùng, tình cờ ông đến ngồi bên cạnh. Có một quan chức lên phát biểu.

Trong khi đang nói ông này chợt nhắc đến tên một cán bộ cấp dưới đang có mặt trong hội trường. Nguyễn Khải đột nhiên đá vào chân tôi: “Này Tiến! Thằng này còn lên nữa đấy”!

Tôi giật mình nhìn ra: cái ông cán bộ cấp dưới được sếp nhắc tên vừa “dạ” một tiếng rõ to, cuống quýt đứng lên, xô cái ghế suýt đổ kềnh.

Mấy năm sau, quan sát bước đường thăng tiến của ông cán bộ kia và ngẫm lại cái chi tiết buồn cười thoáng qua hôm đó, phải chịu là Nguyễn Khải tinh đời.

Năm 2004, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định thành lập và trao Giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh lần thứ I. Tôi được giao nhiệm vụ mời các nhà văn, nhà thơ có uy tín đọc thẩm định các tác phẩm tham dự giải.

Người đầu tiên tôi nghĩ đến đương nhiên là Nguyễn Khải. Trao đổi với ông qua điện thoại xong, mấy hôm sau tôi ôm mớ sách lên nhà ông ở Sài Gòn. Ông tiếp tôi vồn vã, từ chối nhiều cuộc điện thoại chen ngang.

Bàn về việc chấm văn thì ít mà nói chuyện linh tinh lang tang thì nhiều. Nguyễn Khải vẫn tỉnh táo, lạnh lùng, sắc lẻm như khi viết. Ông khoe vườn cây cảnh trên sân thượng, nơi có những gốc mai chiếu thủy giá bạc triệu.

Ông kể chuyện về hưu, chuyện phố phường nơi ông sống. Hồi ông còn là đại biểu Quốc hội, có lần đi họp ở Dinh Thống Nhất, bảo vệ thấy ông cưỡi chiếc xe đạp cà tàng nên nhất định không cho vào.

Đến khi vào được rồi, đang loay hoay tìm chỗ để xe thì một đồng chí lãnh đạo thành phố nhìn thấy bèn cười lớn rồi nửa đùa nửa thật với mấy người xung quanh: “Lão Nguyễn Khải. Lão ấy xỏ chúng mình”...

Chuyện nọ xọ chuyện kia. Chỉ có văn chương là không hề đả động. Tôi thích. Tôi ngồi nghe và ngắm ông cười cười nói nói đầy khinh khoái. Lại nghĩ: một lần ở hội nghị cộng tác viên báo Văn nghệ phía Nam, khi có người đề nghị ông phát biểu, ông chối phắt với lý do: “tôi lẫn rồi, tôi lẫn rồi”! Giời ạ. Giá mà ai cũng “lẫn” được như Nguyễn Khải.

Tôi còn giữ được duy nhất một lá thư của Nguyễn Khải mà không phải là thư… gửi cho mình. Thư đấy ông gửi cho một tờ báo, nhưng nhận xét về một truyện ngắn của tôi.

Người bạn tôi làm việc ở tờ báo ấy nhờ ông đọc và cho ý kiến, rồi anh ta gửi lại bức thư cho tôi biết. Chỉ với mươi dòng nhưng Nguyễn Khải suýt đưa tôi lên mây.

Được khen ai chả thích, nhất là người khen lại là Nguyễn Khải. Nhưng tôi vốn đa nghi nên suốt đời có ai khen hay chê cũng chỉ nghe vậy biết vậy, chẳng bay lên giời cũng không chui xuống đất.

Tôi chỉ chú ý một chi tiết trong bức thư. Đấy là sau khi khen, ông có chút phân vân rằng cái truyện của tôi hơi “ác” (chữ dùng của ông, có ý nói cái truyện của tôi không được nhân hậu cho lắm).

Tôi hơi ngạc nhiên. Rồi tôi chợt ngộ: tác giả của những Gặp gỡ cuối năm, Cha và con và…, Thượng đế thì cười mà chê tôi “ác” thì chứng tỏ ông không hề “ác”, không muốn “ác” một tí nào như nhiều nhà phê bình và bạn đọc vẫn nghĩ về ông.

Trong mấy lần nói chuyện với Nguyễn Khải, ấn tượng nhất lại là lần nói qua điện thoại. Ông vừa dọn đến ở trong ngôi nhà người con trai ông xây cho. Ngôi nhà lầu khá bề thế nằm ở mặt tiền một đường phố Sài Gòn.

Tin vui, chuyện vui mà ông nói với giọng buồn buồn thế nào. Ông kể đang đêm ông tỉnh dậy, ra ngồi một mình ở cầu thang, ngửi mùi sơn tường còn mới, nhìn những viên gạch lát nền sáng choang, cảm thấy cái rộng rãi mênh mông của ngôi nhà mà không tin là có thật.

Rồi ông nghĩ về những ngày cả gia đình chen chúc trong căn phòng tập thể cấp bốn ngót hai chục mét vuông ở bãi Phúc Xá ngoài Hà Nội. Nơi ấy, ông vĩnh viễn mất một người con trai cho sông Hồng mùa nước lớn…

Ông bảo tôi: hôm nào rảnh, rủ nhà văn Xuân Sách ở Vũng Tàu cùng lên chơi với ông. Ông còn cẩn thận dặn đi dặn lại là chúng tôi không phải ngại ngần gì. Mấy anh em nằm nói chuyện một đêm cho vui.

Cuộc điện thoại khá dài. Khi bỏ máy, tôi còn bâng khuâng hồi lâu trước khi chuyển lời mời của ông cho nhà văn Xuân Sách.

Vũng Tàu - Sài Gòn nào có xa xôi cách trở gì. Vậy mà rốt cuộc chuyến đi không thực hiện được. Ông bệnh, rồi nhà văn Xuân Sách cũng bệnh. Lần lần lữa lữa.

Ít lâu sau tôi gọi lại cho ông. Trong máy, ông tiếp chuyện tôi như người lạ. Thôi rồi! Thế là sức khỏe của ông có vấn đề rồi. Rõ là tôi vô duyên không thể tả.

Nhưng ngay cả lúc này khi biết tin ông mất, tôi vẫn không hề nghĩ là ông đã già, đã lẫn. Ông chỉ rũ bớt những gì vướng bận cho nhẹ mình trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Vũng Tàu, 15/1/2008

MỚI - NÓNG