VAFI: Có nhóm lợi ích 'chặn' Sabeco, Habeco lên sàn

Theo Bộ Công Thương, có thể phải đến đầu năm 2017,Sabeco, Habeco mới được niêm yết.
Theo Bộ Công Thương, có thể phải đến đầu năm 2017,Sabeco, Habeco mới được niêm yết.
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng ngày 5/10, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng "hiến kế" cho Chính phủ ngăn ngừa chuyện các doanh nghiệp lớn trốn niêm yết.

Tại văn bản nêu trên, Phó chủ tịch VAFI - Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, tình trạng chậm lên sàn của các doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa như Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)... đã khiến ngân sách thất thu, ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Một phần nguyên nhân được Hiệp hội này đưa ra là năng lực của người đại diện cổ phần Nhà nước kém, không minh bạch trong quản lý... Ngoài ra còn có nhóm lợi ích, không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của cổ đông.

"Đã có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ tham nhũng, bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản của cổ đông và Nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần", VAFI nhận định và cho rằng đây là cách thức hạ giá cổ phiếu, hạ giá tài sản để từ đó dễ dàng mua được toàn bộ cổ phần chi phối của Nhà nước với giá rẻ mạt thông qua con đường bán thỏa thuận hay bán đấu giá.

Đại diện VAFI cũng nhận định có tình trạng ngăn cản việc niêm yết từ lãnh đạo Bộ chủ quản. Điều này xuất phát từ nhiều mục đích nhưng việc dễ thấy nhất là bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp. Điều này làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và Nhà nước thất thu hàng tỷ USD từ việc bán cổ phần. 

Văn bản cũng hiến kế "rất đơn giản" để buộc các doanh nghiệp phải niêm yết theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, nếu bất kỳ người đại diện cổ phần Nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện và khi đó, các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế.

Ngoài ra, nếu lãnh đạo Bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó đã bị án kỷ luật mà không cần phải họp để xem xét hình thức.

Thông tin trước đó về trường hợp Sabeco, Habeco chậm lên sàn tới 8 năm sau khi cổ phần hóa, Thứ trưởng Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho hay, cơ quan này đang cố gắng đẩy nhanh quá trình niêm yết 2 đơn vị. Nhưng do quy trình thủ tục nên có thể tới đầu năm 2017, cổ phiếu của Sabeco, Habeco mới được niêm yết.

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là lỗi của chính doanh nghiệp. Ông Dũng khẳng định chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng là cương quyết sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước. 

“Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm”, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG