Chỉ ngay trước hôm xảy ra tình trạng chen lấn mua vắc-xin, đã có hơn 12.000 liều vắc-xin Pentaxim được chuyển đến 17 cơ sở tiêm chủng tại Hà Nội. Có điều, con số ấy chẳng thấm thap gì so với nhu cầu hiện tại của người dân. Hôm qua, Bộ Y tế cho hay đã giao đơn vị chức năng đi tìm thêm nguồn cung! Chuyện thiếu hụt vắc-xin không phải là điều gì mới mà đã xảy ra từ suốt năm 2014, kéo dài sang 2015 nhưng giải pháp để giải quyết tình trạng này thì dường như vẫn theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Điều đáng nói ở chỗ trong thời điểm khan hiếm nhất, báo chí đồng loạt đưa tin có đơn vị chào bán vắc-xin với giá cắt cổ cho các đơn vị tiêm chủng. Mặc dù Bộ Y tế đã kịp thời cảnh báo về việc sử dụng vắc-xin “xách tay” này nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có đơn vị nhập được vắc-xin về, trong khi Bộ này lại nhiều lần nói “rất khó”. Chính những dấu hiệu bất thường này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có hay không lợi ích nhóm trong chuyện này? Không có một kết luận rành mạch được đưa ra nhưng dư luận về sự tồn tại của những công ty “sân sau”, công ty “gia đình” của VIP này hay sếp kia trong việc nhập vắc-xin đã được nhiều người đặt dấu hỏi.
Tại Hội nghị giao ban công tác dược, mỹ phẩm năm 2015 sáng 25/12, đúng ngày xảy ra hỗn loạn tiêm vắc-xin 5 trong 1Pentaxim, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, người Việt Nam sang Singapore tiêm vắc-xin vẫn được đáp ứng dù nước này không có dự trù! Một lãnh đạo ngành y tế như bà Lan đã phải thắc mắc rằng tại sao Việt Nam thiếu vắc-xin mà các nước khác không thiếu. Và bà cũng tự trả lời đó là do công tác quy hoạch, định hướng làm chưa tốt.
Sẽ có hàng nghìn lí do biện minh cho việc thiếu hụt vắc-xin dịch vụ như hiện nay. Nhưng dù gì cũng có thể khẳng định vắc-xin không có lỗi. Những người cha, người mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng càng không có lỗi. Vắc-xin không phải là mớ rau ngoài chợ để có thể mua lúc nào cũng được. Thậm chí, nếu có thì cũng không mấy ai dám mua bởi rau sạch hay nhiễm độc còn khó nhận biết thì làm sao biết đâu là vắc-xin chất lượng, vắc-xin kém chất lượng. Chỉ có ngành y tế mới có thể giải quyết được câu chuyện này. Nhưng nếu chỉ vì công tác quy hoạch, định hướng chưa tốt như đề cập ở trên, hay vì chuyện lợi ích nhóm (nếu có) mà để tình trạng khan hiếm vắc-xin kéo dài khiến trẻ bệnh tật, tử vong thì lỗi trước hết thuộc về ngành y tế.
Hàng trăm người mẹ người cha có con đi tiêm chủng phải chen lấn trong cả biển người sáng ngày 25/12 đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ ngành y tế.