V.League, hạng Nhất vẫn mờ mịt

V.League, hạng Nhất vẫn mờ mịt
TP - Cuộc hội thảo kéo dài từ sáng tới qua đầu giờ chiều do VPF chủ trì ngày hôm qua đã không đi đến một kết quả nào khi vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là sự tồn tại của một số đội bóng vẫn ở chế độ “treo”.

> V.League rối trước ngày bốc thăm

Lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu mùa giải 2013, dự kiến diễn ra trong buổi chiều vì vậy, cũng bị hoãn lại.

Bóng đá chuyên nghiệp phải tái cấu trúc

Mục tiêu của cuộc hội thảo hôm qua, như xác định ban đầu của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) là nhằm giúp các CLB tìm lối thoát khỏi giai đoạn khó khăn và chỉnh sửa, bổ sung các điểm mới trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2013.

Đây là mùa giải được đánh giá là “sóng gió” với bóng đá VN: nhiều CLB đứng trước nguy cơ giải thể vì các nguyên nhân khác nhau, tình hình tài chính khó khăn, buộc nhiều đội bóng phải thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, ý kiến gây “nóng” và nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong cuộc hội thảo hôm qua lại là của một lãnh đạo LĐBĐVN (VFF), Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng. Ông Dũng đã khiến toàn bộ BTC cuộc hội thảo “đứng hình” với tuyên bố, hội thảo không thành công.

 Tuần tới còn vài sự kiện xảy ra sẽ làm cho tình hình tài chính của chúng ta thêm khó khăn, thêm tồi tệ. Bóng đá đã đến lúc phải tự đứng trên đôi chân mình.  

“Bao nhiêu người ra đây, ăn ở đi lại tốn kém mà làm qua loa như vậy cũng là một sự lãng phí-ông Dũng phát biểu- Bức xúc của mùa giải mới thì ai cũng thấy cả rồi. Theo tôi, chỉ có hai vấn đề lớn. Một là một số CLB vướng vào vấn đề số phận đội bóng của họ có tồn tại hay không. Và hai, tình hình tài chính các CLB khó khăn. Thế nên mới có ý kiến lùi thời gian bốc thăm lại.

“Như vậy, vấn đề quan trọng nhất của hội thảo phải là có bao nhiêu CLB mùa tới tại sao không xoáy vào? Chúng ta cần làm sao có được câu trả lời chính xác nhất. Nếu hôm nay chưa có câu trả lời, thì cần tìm hiểu, trao đổi với các CLB, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể, từ thời gian, cơ chế, chính sách… làm sao để các CLB có thể tiếp tục thi đấu.

“Theo tôi đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc nhất mô hình bóng đá chuyên nghiệp trong 10 năm qua. Tới đây, phải có một đợt tái cấu trúc, như các lĩnh vực khác đang thực hiện.

“Nền bóng đá chuyên nghiệp lâu nay được hưởng bầu sữa từ các ngân hàng, ông chủ kinh doanh. Nay thì khủng hoảng rồi. Nguồn lực tài chính cạn, doanh thu không có, lợi nhuận không có trong khi cái bắt buộc phải chi quá lớn. Trước tình hình đó chúng ta phải làm gì để tái cấu trúc nền bóng đá này? Chúng ta có câu trả lời đó không?

“Tôi cho rằng chúng ta chưa chuẩn bị hoặc chưa có năng lực để trả lời được câu hỏi này. Mà tôi cho rằng cái này là quyết định sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp của VN trong thời gian tới. Theo tôi tái cấu trúc nằm ở chỗ đã đến lúc nền bóng đá không sống bằng bầu sữa của các ông chủ nữa. Lâu nay chúng ta quên bóng đá phải sống bằng khán giả, truyền hình và cộng thêm tài trợ từ các ông bầu. Có thêm các nguồn đó mới sống ổn. Để sống bằng khán giả chỉ có đá hay thôi. Những trận không có mùi: đông; có mùi: khán đài vắng teo”, ông Lê Hùng Dũng khẳng định.

Câu hỏi ông Dũng đặt ra với các CLB: “Đã đến lúc bóng đá phải đứng trên đôi chân của mình. Các ông bầu ở đây có dám “chơi” như vậy không? Hay bóng đá lâu nay sống nhờ tiền người khác quen rồi?”.

Doanh nghiệp không thể tự “bơi”

Đấy là ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt tại hội thảo.

Ông Việt nói: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, các địa phương phải có trách nhiệm với bóng đá. Thanh Hoá dù chuyển đổi mô hình như thế nào, thì tỉnh vẫn phải giúp đỡ CLB. Để doanh nghiệp tự bơi thì không giải quyết nổi”.

Đồng tình quan điểm của ông Việt, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đan Đức Hiệp khẳng định, Hải Phòng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng.

Trước đó, VFF và VPF đã lên kế hoạch xin sự hỗ trợ về cơ chế tài chính của Bộ Tài chính, Cục thuế.

Tuy nhiên, mong muốn của VFF, VPF đã bị dội một gáo nước lạnh ngay từ đầu với các con số trích dẫn do ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng-Phó ban cải cách và hiện đại hoá, Tổng cục Thuế: “Mức thuế ở Pháp đối với mức thu nhập trên 27 tỷ đồng/năm lên tới 75%. Trong khi ở VN, mức cao nhất mới chỉ 35%, chưa thể gọi là cao so với thế giới. Bóng đá nếu chỉ để chơi thì không phải đóng thuế, nhưng đã là CLB chuyên nghiệp, theo quy chế cũng là một hoạt động kinh doanh. Không lý gì các ông chủ bỏ vốn kinh doanh lĩnh vực khác thì phải đóng thuế còn bóng đá thì không. Dĩ nhiên ở góc độ ngành nghề đặc biệt, Chính phủ có thể có những hỗ trợ”.

Hoãn bốc thăm mùa giải mới

Theo thông báo của Trưởng BTC VPF Trần Duy Ly, tới hôm qua, một số CLB ở V.League như CLB bóng đá Hà Nội, Navibank Sài Gòn vẫn chưa đăng ký tham dự giải.

Navibank Sài Gòn, “bầu” Thuỵ lên tiếng kêu gọi giúp đỡ để được dự giải. Ông Thuỵ cho biết Navibank Sài Gòn đã chuyển nhượng tám cầu thủ cho CLB Sài Gòn Xuân Thành.

Còn CLB bóng đá Hà Nội, theo GĐĐH Lê Xuân Thông, “những người tạm gọi là lãnh đạo đang cố gắng tìm nguồn tài chính duy trì CLB. Để một đội bóng bị giải thể cũng là chuyện rất đau lòng”.

Qua lấy ý kiến biểu quyết, các CLB đều thống nhất lùi thời hạn đăng ký tham dự giải đối với các CLB đến ngày 8-12. Lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu mùa giải 2013, theo kế hoạch được tổ chức chiều qua, vì vậy cũng được hoãn lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG