V-League 2018 và hệ lụy của pháo sáng

Trận ra quân của CLB Nam Định đã có 22.000 cổ động viên đến sân.
Trận ra quân của CLB Nam Định đã có 22.000 cổ động viên đến sân.
TP - V-League 2018 đã khởi tranh được 2 vòng đấu với những tín hiệu tích cực cả dưới sân cỏ cũng như trên khán đài. Tuy nhiên, thứ được người ta nhắc đến nhiều nhất trong những ngày vừa qua lại có vẻ như không hề liên quan đến chuyện chuyên môn của quả bóng: pháo sáng.

Lượt trận khai mạc V-League 2018 với 5 cặp đấu đã thu hút khoảng 60.000 CĐV tới sân, trung bình 12.000 người/trận theo thống kê của BTC. Đây là con số thực sự ấn tượng nếu xét trong bối cảnh giải VĐQG vài năm trở lại đây, các khán đài khá đìu hìu. Ban lãnh đạo VPF nhiệm kỳ mới đã ghi những điểm đầu tiên, nếu kể thêm cả chuyện kéo về hợp đồng tài trợ mới, hay nỗ lực giảm chi nội bộ.

Tuy nhiên, “pháo sáng” mới là thứ được nhắc tới nhiều nhất sau vòng đấu đầu tiên. Trên sân vận động Hàng Đẫy chiều 10/3, các CĐV Hải Phòng đã đốt khá nhiều pháo sáng trên khán đài, và ném gần chục quả xuống sân. Cần phải nói thêm là trước đó, họ đốt pháo sáng cả lúc diễu hành sôi động trên đường phố Hà Nội. Trận đấu giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng đã phải hoãn lại khoảng 5 phút cuối, và sau khi bắt đầu lại, trọng tài buộc phải cho dừng sớm để đảm bảo an toàn.

Pháo sáng và án phạt dành cho các đối tượng liên quan được bàn suốt một tuần sau đó, thay vì chuyên môn của V-League. Hôm qua, gõ từ khóa “pháo sáng”, Google cho ra 1.270.000 kết quả trong 66 giây. Một con số có thể khiến các quan chức VFF và VPF đều phải rầu lòng. VFF cho biết đã từng cử lãnh đạo đích thân tới gặp riêng những người cung cấp pháo sáng cho CĐV Hải Phòng để vận động, một cách làm khéo léo và mềm dẻo vì bóng đá, nhưng bất thành.

Trong lịch sử, Hải Phòng đã từng nhận nhiều án phạt do việc các CĐV đốt pháo sáng trong các trận đấu ở V-League. Những án kỷ luật của Ban Kỷ luật VFF không ngăn được nhiều CĐV Hải Phòng tiếp tục sử dụng pháo sáng như một thứ “đặc sản” địa phương. Sau sự cố trên sân Hàng Đẫy, Ban Kỷ luật VFF chỉ ra án phạt tiền với BTC sân và CLB Hải Phòng, chấp nhận “bỏ qua” CĐV. Rất khó quy trách nhiệm cho một cộng đồng chỉ vì vi phạm của một số cá nhân.

Về bản chất, pháo sáng được sử dụng trong hoạt động cứu nạn trên biển: khó bị dập tắt, có thể cháy trên nước và chứa hoá chất có thể gây nguy hiểm cho người bị hen suyễn. Pháo sáng có thể cháy lên đến 1.600 độ C, đủ nung chảy thép! Và vì vậy, việc đốt pháo sáng tồn tại nguy cơ gây nguy hiểm cho đám đông trên khán đài, gây cháy, ảnh hưởng tới công trình trong sân vận động.

Không riêng Việt Nam, các giải bóng đá VĐQG trên thế giới đều cấm pháo sáng, hầu như không có ngoại lệ. Đã có những sự cố liên quan đến sức khỏe, nhân mạng do pháo sáng gây ra. Năm 1992, một cậu bé 13 tuổi tên Guillem Lazaro đã qua đời do bị pháo sáng ném trúng ngực tại một sân vận động ở Barcelona. Một trường hợp khác là thiếu niên 14 tuổi cũng tử vong trong trận đấu của CLB Corinthians (Brazil) năm 2013 vì pháo sáng. Tại Việt Nam, truyền thông mới đây đã đăng tải chia sẻ của 1 CĐV Hải Phòng tên Nguyễn Văn Trung, gặp tai nạn vì pháo sáng ở AFF Cup 2016. Cánh tay Trung vẫn còn nguyên sẹo vì vụ tai nạn.

Đốt pháo sáng gắn liền với các nhóm ultras, trunh thành, cuồng nhiệt nhưng cũng có thể dẫn tới quá khích. Sẽ rất dễ dàng để thích thú với hình ảnh rực rỡ trong khói mờ do pháo sáng tạo nên. Nhưng không ai có thể đảm bảo pháo sáng không bị những CĐV quá khích sử dụng để gây thương vong cho người khác khi kết quả trận đấu không như ý. Với điều kiện các sân vận động của Việt Nam hiện nay, việc kiểm soát các đồ vật CĐV đem vào sân là không hề dễ dàng. Những CĐV ma mãnh luôn có nhiều chiêu để đưa pháo sáng, vốn nhỏ bé, vào bên trong sân.

VFF vừa qua đã phải nhờ an ninh Hải Phòng hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn trận đấu giữa đội bóng đất cảng với HAGL. Án phạt của Ban Kỷ luật VFF cũng cho thấy, tạm thời lúc này, người ta chỉ có thể trông đợi vào ý thức của các CĐV đất cảng. Hy vọng điều này không phải là xa xỉ, để những nét khởi sắc của V-League không dừng lại ở những tín hiệu đầu mùa giải.

MỚI - NÓNG