Uy lực tuần dương hạm Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm

Tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế của Nga. Ảnh: Sputnik
Tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế của Nga. Ảnh: Sputnik
Được trang bị tên lửa nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh, tuần dương hạm hạt nhân lớn nhất thế giới của Nga sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh của mình.

Sputnik ngày 19/2 dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế sẽ được trang bị một loại tên lửa tối tân bậc nhất thế giới là 3M22 Zircon, cải thiện đáng kể sức mạnh của chiến hạm này.

Peter Đại đế là tàu tuần dương chạy bằng động cơ hạt nhân được đóng theo dự án 1144 Orlan (còn gọi là lớp Kirov) do Phòng Thiết kế phương Bắc phát triển. Tàu dài 262 m, rộng 28,5 m, trọng tải 25.860 tấn, hiện là chiến hạm mặt nước lớn nhất thế giới, chỉ thua tàu sân bay về kích thước. Tàu có thủy thủ đoàn 635 người, tốc độ di chuyển 32 hải lý/h (khoảng 60 km/h).

Tuần dương hạm Peter Đại đế được coi là một bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa (PRO) trên biển của Nga, một trong những quốc gia có sức mạnh phòng thủ tên lửa mạnh nhất thế giới.

Bởi vậy, chiến hạm này sở hữu hệ thống vũ khí vô cùng mạnh mẽ, gồm 20 dàn tên lửa chống hạm siêu âm P-700 Granit có tầm bắn 625 km, 48 ống phóng tên lửa phòng không S300-FM, 6 dàn pháo - tên lửa phòng không tầm gần Dirk hoặc Dagger (16 nòng), 10 ống phóng ngư lôi loại 533 mm (20 quả).

Peter Đại đế còn được trang bị các ụ pháo tự động 130 mm AK-130, tên lửa chống ngầm RPK-6M Vodopad, hai trực thăng săn ngầm Ka-27 cùng hệ thống radar phòng không Fregat-MAE có thể phát hiện các mục tiêu bay trong phạm vi 300 km, ở độ cao hơn 30 km.

Theo các nguồn tin từ xưởng đóng tàu quốc phòng Sevmash, đơn vị được giao nhiệm vụ hiện đại hóa con tàu này, sau khi được nâng cấp, Peter Đại đế sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 mạnh nhất của Nga cũng như các tên lửa hành trình có độ chính xác cao như Kalibr và Onyx. Để đáp ứng khả năng này, các kỹ sư Nga sẽ lắp đặt thêm cho Peter Đại đế 10 bệ phóng thẳng đứng đa năng 3S-14.

Uy lực tuần dương hạm Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm ảnh 1

Pháo tự động 133 mm AK-130 lắp trên tàu Peter Đại đế. Ảnh: Technology

Ngoài ra, để tăng cường khả năng tác chiến trước các biên đội tàu sân bay có hệ thống phòng không dày đặc của NATO, Bộ Quốc phòng Nga sẽ trang bị cho Peter Đại đế các tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon, một loại vũ khí tuyệt mật của Nga đang trong quá trình thử nghiệm cấp nhà nước.

Tuy các tính năng kỹ chiến thuật của loại tên lửa này vẫn trong vòng bí mật, nhiều chuyên gia quân sự nhận định Zircon chính là phiên bản không xuất khẩu của tên lửa siêu vượt âm BrahMos II do Nga và Ấn Độ đang hợp tác sản xuất, có tầm bắn lên tới 400 km, vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh (1.700 m/s). Đây chính là tên lửa tầm trung nhanh nhất thế giới hiện nay, nhanh gấp hơn 5 lần vận tốc tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Với tốc độ này, cộng với khả năng bay thấp lướt trên mặt biển ở độ cao 10 m giống với BrahMos, Zircon có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại trên thế giới.

Theo tính toán, nếu radar tàu đối phương ở độ cao 20 m, Zircon sẽ chỉ bị phát hiện ở khoảng cách 27 km. Do vậy, đối phương chỉ có 16 giây để theo dõi, định vị và bắn hạ Zircon trước khi nó tấn công tàu.

Uy lực tuần dương hạm Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm ảnh 2

Mô hình tên lửa Brahmos II do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Ảnh: Defense News

Dù mục đích chính của Zircon là diệt hạm, nó cũng có thể dùng để tấn công các mục tiêu cố định trên đất liền. Zircon có thể được phóng thẳng đứng hay nghiêng và có thể chuyển hướng 360 độ nên có độ cơ động và linh hoạt cao.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Peter Đại đế cùng với hai tàu tuần dương cùng lớp đang được hiện đại hóa khác là Đô đốc Nakhimov và Đô đốc Lazarev sẽ tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển hoàn hảo của Hải quân Nga. Với sự trở lại của các tàu tuần dương nguyên tử đa năng trong hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng thủ đường không, khả năng chiến đấu của Hải quân Nga sẽ được tăng cường đáng kể.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.