Khởi tố vụ bán lừa đảo tại Công ty An Đông:

Ủy ban chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư bình tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan việc khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh. UBCKNN sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.

Ngày 8/10, Bộ Công an công bố thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 7/10 ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Bộ Công an cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của người dân trong giai đoạn 2018 - 2019.

Về việc này, UBCKNN cho biết, vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

UBCKNN khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Ủy ban chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư bình tĩnh ảnh 1

Bà Trương Mỹ Lan bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 8/10, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.

SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.

"Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn. SCB rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và tin tưởng của Khách hàng, cổ đông trong thời gian tới", SCB thông báo.

Liên quan vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn ở SCB, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Trước đó, từ ngày 7/10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về SCB, dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

SCB thường xuyên là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ở nhiều kỳ hạn. Sang tháng 10, lãi suất tiết kiệm tại SCB ghi nhận tăng tại một số kỳ hạn và có mức lãi suất cao nhất là 7,55%/năm áp dụng cho tiền gửi online ở kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Ngày 26/12/2011, Thống đốc NHNN chính thức cấp Giấy phép số 283/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).

Tuy nhiên, 3 ngân hàng nói trên gặp khó khăn về thanh khoản, chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào, 3 ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán tạm thời. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012.

Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được nhiều người biết đến từ cuối năm 2011, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012.

Khi hợp nhất, SCB đã có thay đổi lớn ở các vị trí chủ chốt tại Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, được nắm giữ bởi đại diện nhóm cổ đông lớn đến từ Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú…

Đến nay, tổng tài sản SCB đạt hơn 670.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2021, vốn điều lệ SCB đạt hơn 20.020 tỷ đồng. SCB có 239 điểm giao dịch, tại 28 tỉnh, thành phố, với hơn 7.000 nhân sự.

SCB đã có lộ trình lên sàn chứng khoán. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức cuối năm 2020, ngân hàng này đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), chậm nhất là năm 2025.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.