Ưu tiên mua lại các trạm BOT trên tuyến độc đạo

Thanh tra kiểm toán sẽ vào cuộc khi mua lại các trạm BOT (Ảnh minh họa)
Thanh tra kiểm toán sẽ vào cuộc khi mua lại các trạm BOT (Ảnh minh họa)
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu có chủ trương mua lại các trạm BOT, thì trước tiên phải mua các trạm trên tuyến đường độc đạo, là Quốc lộ 1A. 
Ưu tiên mua lại các trạm BOT trên tuyến độc đạo ảnh 1

Ông Trần Quang Chiểu

Ðường độc đạo không nên có trạm BOT

Hiện đang có nhiều quan điểm cho rằng, đối với các trạm BOT đặt sai vị trí, bị dân phản đối thì nhà nước có thể bỏ tiền ra mua lại. Từng nêu quan điểm về chủ trương này, ông thấy sao?

Quan điểm của tôi, đã là con đường độc đạo thì không nên đặt trạm BOT. Đặc biệt trên Quốc lộ 1A, con đường thiên lý, huyết mạch, cũng là con đường xương máu của cả dân tộc, thì không nên đặt trạm BOT mà ngân sách nhà nước cần bỏ tiền ra làm. Còn nếu đã làm BOT rồi thì nhà nước phải bỏ tiền ra mua.

Đã là BOT thì phải đảm bảo nguyên tắc của BOT. Cũng giống như hàng hóa vậy, người ta phải có quyền lựa chọn chứ không thể ép buộc được. Hay như việc chúng ta đi ra chợ, ai thích ăn thịt thì mua thịt, ai thích ăn cá thì mua cá. Anh không thể ép người ta phải mua cái này, mua cái kia được.

Trên tuyến quốc lộ này, Quốc hội đã quyết cho làm, nhà đầu tư đã bỏ tiền ra rồi, bây giờ nhà nước bố trí nguồn lực mua lại. Nhưng ở đây là mua dần dần chứ không thể mua hết trong một lúc được, vì nguồn lực của chúng ta có hạn. Đặc biệt với Quốc lộ 1A, sau này có thể trở thành con đường du lịch. Như vậy sẽ lại càng có ý nghĩa về mặt lịch sử chứ không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế.

Còn đối với những trạm BOT không nằm trên Quốc lộ 1, nhưng bị dân phản đối do đặt sai vị trí thì sao, thưa ông?

Với mỗi trạm BOT giao thông, cần đưa ra một phương án xử lý cụ thể, bởi mỗi trạm có những bất cập, vi phạm khác nhau. Có trạm đặt không đúng vị trí, có trạm tổng mức đầu tư sai thông qua kiểm toán… Theo tôi, đối với 17 trạm BOT sai vị trí, bị dân phản đối, cần đánh giá xem những cái nào bất hợp lý nhất thì phải xử lý trước, chứ không thể mua tất cả được.

Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh quan điểm, phải ưu tiên mua lại các trạm BOT trên Quốc lộ 1 trước tiên. Rồi sau đó mới tính đến các trạm BOT khác, có thể là Quốc lộ 14, đoạn qua Tây Nguyên, vì đó là những tuyến đường huyết mạch của quốc gia.

“Liệu cơm gắp mắm”

Nếu mua lại toàn bộ thì nhà nước sẽ phải mua tổng cộng bao nhiêu trạm BOT trên các tuyến đường huyết mạch, thưa ông?

Tại các tuyến đường quốc lộ này, tôi nhớ thời điểm Quốc hội khóa 13 biểu quyết ngân sách nhà nước bỏ ra 65 nghìn tỷ đồng, còn nhà đầu tư bỏ ra 35 nghìn tỷ đồng, với khoảng 17 - 18 trạm thu phí tất cả. Nhưng về sau lại mọc lên rất nhiều, và đến nay tôi cũng không rõ có tổng số bao nhiêu trạm BOT. Nhưng muốn bao nhiêu thì bao, quan điểm của tôi vẫn phải là ưu tiên trên tuyến quốc lộ huyết mạch này, các trạm khác tính sau. Nhưng những trạm BOT xảy ra bất cập chủ yếu nằm trên tuyến quốc lộ.

Theo tính toán của Bộ GTVT, đến năm 2025 cần tới hơn 100 nghìn tỷ đồng để triển khai 103 dự án giao thông. Đây quả là một thách thức lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay. Vậy nhà nước lấy đâu ra  nguồn lực để mua lại các trạm BOT?

Nhà nước đã mua thì đương nhiên phải huy động đến nguồn lực ngân sách. Việc này Chính phủ cần xây dựng phương án rồi trình lên Quốc hội. Lúc đó, tùy vào điều kiện cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.

“Với giao thông, lúc nào cũng xảy ra mâu thuẫn giữa yêu cầu và nguồn lực. Bao nhiêu tiền đổ vào cũng không đủ. Giàu có như nước Mỹ còn thiếu tiền làm đường giao thông và xây dựng chứ đâu chỉ một đất nước còn đang khó khăn như Việt Nam. Vấn đề quan trọng là anh sử dụng nguồn lực thế nào cho hiệu quả nhất”, 
ĐBQH Trần Quang Chiểu

Nhưng bao giờ cũng vậy, vấn đề giao thông lúc nào cũng xảy ra mâu thuẫn giữa yêu cầu và nguồn lực. Với giao thông, bao nhiêu tiền đổ vào cũng không đủ. Vấn đề quan trọng là sử dụng nguồn lực thế nào? Chỗ nào cần ưu tiên trước, chỗ nào nên để sau? Điều này cần đến vai trò tham mưu của ngành giao thông.

Ở đâu cũng vậy, làm đường và xây dựng bao giờ cũng thiếu tiền. Đến đất nước giàu có như Mỹ còn thiếu tiền làm đường giao thông và xây dựng, chứ đâu phải chỉ một đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn như Việt Nam. Do vậy phải liệu cơm gắp mắm, cân nhắc sử dụng nguồn lực thế nào cho hiệu quả nhất.

Ngoài câu chuyện nguồn lực, khi mua lại BOT, nhiều người quan tâm đến việc phải thanh tra, kiểm toán như thế nào để không bị mua đắt?

Chắc chắn nếu nhà nước có chủ trương mua từng trạm BOT thì các cơ quan chức năng sẽ phải tham mưu cho Chính phủ, tính toán một cách cụ thể, chi tiết trước khi quyết định. Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải vào cuộc tính toán lại, thậm chí còn đếm lại chứ đâu phải họ bảo bằng nào thì mua bằng ấy. Chúng ta có cả một bộ máy để thực hiện việc này, nên đừng lo việc bị mua đắt, hay thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước khi mua lại BOT.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".