Ưu đãi cho nhà khoa học, nhân tài làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh.

Sáng 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại phiên họp, lãnh đạo tỉnh Đắc Lắk cho biết, dù số chính sách đặc thù so với tỉnh khác không được nhiều, nhưng tỉnh nhận thức rằng, việc Quốc hội quyết định cho thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng 5 chính sách đặc thù là hết sức quan trọng. Ngoài có thêm nguồn lực, nhân lực, thu hút đầu tư hấp dẫn hơn... còn có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Đắc Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột.

Có 5 chính sách lớn được dự thảo Nghị quyết đưa ra. Về định mức phân bổ chi thường xuyên, Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.

Đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

“HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột”, ông Dũng nêu.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc tạo cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột là cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mức độ ưu đãi như Dự thảo Nghị quyết là hợp lý, theo đó chỉ miễn thuế trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, theo ông Cường, tính thực tiễn của chính sách này cần được cân nhắc thêm vì với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú. “Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà lại gây bất bình đẳng và mất số thu”, ông Cường nêu.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không áp dụng quy định trên vì Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì mới được xem xét giảm thuế; không ưu đãi thuế đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.

“Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm “thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột” được miễn thuế. Nếu quy định chung như Dự thảo thì thu nhập từ kinh doanh, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bất động sản sẽ được miễn thuế là chưa hợp lý”, ông Nguyễn Phú Cường nêu.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, ngoài các cơ chế, chính sách đặc thù, cần nhiều cơ chế khác nữa cho tỉnh phát triển, nhất là các lĩnh vực y tế, văn hoá, giao thông… “Muốn trở thành trung tâm của vùng thì y tế, văn hoá, giáo dục phải vượt trội”, ông Cường đề nghị vừa thí điểm, vừa tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm việc đầu tư nguồn lực và các chính sách khác có liên quan.

Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, các chính sách ưu đãi như đề xuất “quá hẻo”, cần nghiên cứu, có chính sách ưu đãi đặc thù mạnh hơn nữa.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.