Đi theo lời kêu gọi của đất nước đến giúp đỡ bà con những vùng nông thôn xa xôi, từ năm 2000, anh Sơn được tổ chức phân công cùng 499 trí thức trẻ trên nhiều lĩnh vực về hoạt động, sinh hoạt cống hiến xây dựng cuộc sống ở tại tỉnh Sóc Trăng.
Dù còn nhiều khó khăn về vật chất, rào cản ngôn ngữ nhưng anh dần khắc phục và từng bước giúp đỡ bà con. Tại đây, anh vận động xây được đường giao thông liên ấp dài 36,5km, 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học; sửa chữa chống dột 150 căn nhà tình nghĩa, tình thương; vận động nhiều phần quà tặng trẻ em và người già neo đơn…
Hai năm sau, đội hình tình nguyện rút đi nhưng anh Sơn và nhiều đồng đội vẫn tiếp tục ở lại. “Nhìn bà con lam lũ mình đi không đành” - anh tâm sự. Thấy Sơn “thiệt bụng”, bà con người dân tộc Khmer ở xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) thân thương gọi anh là “lục thum” (tức “ông lớn”, hàm ý kính trọng). Không chỉ làm hết mình, “lục thum” còn vận động các nhà hảo tâm từ TPHCM cùng tiếp sức cho quê nghèo. Bằng những nỗ lực quên mình, anh được đồng chí Hoàng Bình Quân - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lúc đó tặng kỷ niệm chương vì có những đóng góp tích cực.
Năm 2005, khi đang hăng say vận động, xây dựng tiếp công trình cho người dân thì một cơn tai biến bất ngờ quất anh ngã quỵ. Tuy may mắn thoát chết nhưng anh bị liệt nửa người. Giờ bị suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần bốn ngày, anh phải di chuyển từ nhà trọ ở quận 12 đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh) để chạy thận nhân tạo. 13 năm sống chung với căn bệnh này, cơ thể yếu ớt của anh giờ quắt queo với nhiều chứng bệnh khác.
Chưa kịp nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, dành cả thanh xuân cho hoạt động xã hội, giờ anh Sơn chỉ có một mình đối mặt với bệnh tật, nghèo khó. “Lục thum” Sơn buồn bã: “Tôi không tiếc nuối những gì mình đã làm thời trẻ, tôi chỉ tiếc là giờ yếu quá, chứ nếu tôi khỏe mạnh, tôi sẽ trở lại để tiếp tục đến với nhiều vùng quê nghèo”. Hoàn cảnh “lục thum” Sơn hiện hết sức khó khăn, ngoài trợ cấp ít ỏi 570.000 đồng/tháng, các chi phí cho cuộc sống và chữa bệnh của anh đều do người thân, bạn bè, đồng đội và các nhà hảo tâm chia sẻ.
Mười mấy năm qua, chị Lê Thị Lan là bạn thời còn là giáo dục viên trẻ đường phố (trước khi Sơn tham gia đội hình tình nguyện) lại đến chăm sóc, đưa anh đi chạy thận.