Ứng phó bão số 9, lên kịch bản sơ tán gần 1,3 triệu dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương vùng ảnh hưởng dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung phòng chống bão. Ảnh: Ngọc Hà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương vùng ảnh hưởng dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung phòng chống bão. Ảnh: Ngọc Hà
TP - Để ứng phó với bão số 9 rất mạnh hướng vào miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác, chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, cần thiết có thể sử dụng xe tăng, máy bay trực thăng… cứu hộ cứu nạn. Các địa phương lên kịch bản sơ tán gần 1,3 triệu dân.

Bão số 9 gió giật cấp 16

 Tại cuộc họp ứng phó với bão hôm qua, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, qua thảo luận với các đài quốc tế, trong đó có cơ quan dự báo của Nhật Bản đều cho nhận định, cơn bão số 9 di chuyển nhanh, mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, gần như khắp biển Đông. Các đài quốc tế cho rằng, bão số 9 mạnh cấp 13-14, nếu vào vùng biển ven bờ có thể đạt cấp 12.

Theo ông Khiêm, khác với cơn bão số 8, bão số 9 không có khối không khí khô lạnh cản, làm suy yếu, nên cường độ bão rất mạnh. 

Khoảng 16 giờ hôm nay (27/10), bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 400km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 13, giật tới cấp 16. Theo dự báo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. 

Từ chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m. 

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4-6m. 

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

“Gió mạnh không chỉ ở ven biển, mà thậm chí gió giật cấp 8-9 ở Tây Nguyên. Tác động này giống như cơn bão Damrey năm 2017, gió giật mạnh cấp 8-9, rất nhiều nhà bị giật tung mái”, ông Khiêm nói.

Ông Khiêm cho biết, cơn bão số 9 gây mức độ rủi ro thiên tai cấp 4, là cấp gần tới mức thảm họa.

Về mưa do bão, cơ quan dự báo cho biết, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên -Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28 đến 31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Do mưa lớn khiến nhiều sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Tây Nguyên sẽ xuất hiện lũ, trong đó nhiều sông sẽ đạt báo động 2-3, có nơi trên báo động 3.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

 Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, với kịch bản của cơ quan dự báo đưa ra, khả năng Việt Nam sẽ phải di dời gần 1,3 triệu dân tại 7 tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hoà) để ứng phó với bão. 

Tổng số tàu thuyền khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa có trên 25.000 chiếc, trong khi chỉ có 21 khu neo đậu tại khu vực, đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.
Ông Hoài lưu ý, khu vực miền Trung hiện có 14.000 ha nuôi trồng thủy sản, và khoảng 180.000 lồng bè, trong đó nhiều nhất là Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, cần giải pháp cấp bách.

Ngoài ra, hiện ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có 21 hồ thủy điện đang xả đón lũ. Ở Nam Trung bộ có trên 570 hồ, đã tích 30-90% dung tích, hiện không có hồ xả tràn, tuy nhiên có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công. 
“Trước tối 27/10, các địa phương hoàn thành xong phần kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền, nhất là tại bến cảng lớn, tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh tình trạng sự cố như 8 tàu vận tải lớn tại cảng Quy Nhơn trong cơn bão số 12 năm 2017.  

Chỉ đạo tại cuộc họp, với 5 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục triển khai tích cực công tác cứu hộ cứu nạn, tâp trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. 

“Đừng để người dân chịu ảnh hưởng của bão số 7, 8, bị lũ lụt rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đói kém, nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương sẵn sàng “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. Các địa phương kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn.

Đặc biệt, cần kiên quyết không để người dân trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản trước khi bão vào. “Vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, thiệt hại là trách nhiệm hình sự, phải xử lý nghiêm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân, ở vùng thấp, ven biển, đồng thời cảnh báo sạt lở núi bởi khu vực miền Trung do độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày. “Như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp thì vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6 km, do vậy cần hết sức lưu ý”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý hệ thống hồ đập, có bộ phận chuyên môn theo dõi sát lưu lượng, mực nước để xả tràn một cách chặt chẽ. Nhiều địa phương có hồ đập như “thùng nước” treo lơ lửng trên đầu người dân, trong khi nhiều hồ đập đang hư hỏng, nước đã ngập đầy. 

Về công tác cứu hộ cứu nạn, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ  Công an huy động các sư đoàn, quân đoàn, kể cả phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng. 

Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn, “đói cơm, lạt muối”.

MỚI - NÓNG