Ứng cứu thị trường: Liệu 'thuốc' có quá liều?

Ứng cứu thị trường: Liệu 'thuốc' có quá liều?
TP - Những liều thuốc mạnh mà Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước  và UBCKNN đã và đang định đưa ra như: giãn IPO, mua ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng, nới lỏng Chỉ thị 03…đã tỏ ra có hiệu lực ngay lập tức.

>> Toàn sàn tăng giá

Ứng cứu thị trường: Liệu 'thuốc' có quá liều? ảnh 1
Một lượng không nhỏ tiền đồng Việt Nam sẽ được tung ra để mua ngoại tệ  Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, như một cơ thể “đói vốn” lâu ngày, nếu nguồn vốn rót vào quá nhanh, nhiều thì TTCK vẫn có nguy cơ “bội thực”, chưa kể những liều thuốc cho TTCK có thể còn gây tác dụng cho các thị trường khác…

Sau khi để TTCK sụt giảm quá sâu, không ít ý kiến đưa ra hàng loạt biện pháp mạnh để cứu thị trường này. Trong đó việc khai thông thị trường ngoại hối và “giải ngân” cho các nhà đầu tư ngoại được xem là một trong những biện pháp kích cầu hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lạm phát tăng cao năm 2007 là do NHNN buộc phải tung tiền đồng ra mua ngoại tệ đổ vào nước ta tăng đột biến. Cuối năm 2007, để chặn đà lạm phát, NHNN đã dùng nhiều biện pháp và việc hạn chế mua ngoại tệ đã có tác dụng nhất định.

Một chuyên gia kinh tế xin giấu tên nhận định: “Tôi chưa biết rõ NHNN sẽ mua ngoại tệ của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính theo cách thức, lộ trình và số lượng như thế nào cho nên chưa thể đánh giá nên hay không nên. Tuy nhiên, nếu chỉ vì cứu TTCK mà tung tiền đồng ra ào ạt thì cần phải cân nhắc kỹ vì TTCK chỉ là một phần của nền kinh tế”.

TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM cũng cho rằng do không hấp thụ tốt nguồn ngoại tệ khổng lồ nên đây là một trong những lý do chính khiến giá cả tăng.

Ông Lịch nói thêm: “Lượng ngoại tệ này như là liều thuốc bổ, cơ thể hấp thụ tốt thì có tác dụng tốt và ngược lại”. Giám đốc một Cty chứng khoán (CTCK) e ngại con số tăng 37,24 điểm trong một phiên không chứa đựng yếu tố bền vững vì “nhà đầu tư đi từ quá bi quan sang kỳ vọng quá lớn vì tin hàng tỷ USD sẽ lại rót vào TTCK trong thời gian tới, bất cứ cái gì tăng quá nóng đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao”.

Phòng bao giờ cũng hơn chống!

Hàng loạt doanh nghiệp đang xếp hàng chờ IPO với số lượng cổ phiếu khổng lồ như SABECO, HABECO,Incombank, BIDV… cùng rất nhiều doanh nghiệp niêm yết phát hành thêm cổ phiếu đang được UBCKNN khuyến cáo nên hoãn (trừ SABECO).

Trong thời điểm này, UBCKNN không đề nghị thì tự thân các doanh nghiệp cũng ngán ngại và hầu hết chưa muốn IPO nếu không bị “ép” như VCB. Tuy nhiên trước sau gì các doanh nghiệp trên cũng phải IPO hay phát hành thêm vì đã nằm trong kế hoạch phát triển kinh doanh của họ, liệu khi TTCK khởi sắc trở lại họ có thi nhau  IPO hay phát hành như cuối năm 2007?

Nếu từ bây giờ Bộ Tài chính, UBCKNN không có một chiến lược dài hạn về vấn đề này và chỉ điều hành để TTCK tạm qua cơn nguy khó thì rất có thể “ngày thứ ba đen tối 15/1” sẽ còn lặp lại.

Nhà phân tích chứng khoán Bùi Ngọc Tước khẳng định: “TTCK chỉ thực sự lành mạnh, bền vững khi các cơ quan điều hành đề ra những chính sách, giải pháp để phòng khủng hoảng chứ không phải chống như hiện nay”.

Ngay cả việc đề nghị cho phép ngân hàng nâng  tỷ lệ cho vay chứng khoán lên 5% tổng dư nợ chưa hẳn sẽ đem đến cho TTCK những hiệu quả tốt bởi cũng giống như thị trường bất động sản, TTCK sẽ ra sao khi được bơm tiền quá nhiều, chưa kể các ngành kinh tế khác sẽ gặp khó khăn hơn khi tiếp cận vốn của ngân hàng.

Đừng để được cái này mất cái kia             

Một trong những giải pháp “cứu” TTCK được đưa ra là kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Nhưng chính ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN đã không đồng tình với những biện pháp “sốc” với thị trường địa ốc, nơi vốn nhiều và nhạy cảm hơn cả TTCK.

Có lẽ bài học từ Chỉ thị 03 đã để lại cho người đứng đầu UBCKNN kinh nghiệm về những liều thuốc quá mạnh. Có thể thị trường địa ốc cần phải hạ nhiệt nhưng nếu vì TTCK mà có ngay những biện pháp làm “tổn thương” thị trường địa ốc là điều cần tránh.

Một giải pháp tổng thể cho TTCK, ngành ngân hàng và địa ốc cần được phối hợp hài hòa, cùng vì lợi ích chung của nền kinh tế chứ không nên thấy “cháy đâu dập đó”.

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital nói: “Ngân hàng, địa ốc, chứng khoán là những bình thông nhau, chỗ này tắc thì chỗ kia cũng không chảy được. Tôi tin rằng những kinh nghiệm vừa qua sẽ giúp cho các cơ quan điều hành có những chính sách phù hợp với thực tế hơn”.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng đánh giá: “Một trong những việc cần chấn chỉnh sớm nhất tại TTCK là tư duy coi nhẹ nhà đầu tư. Vừa qua, cơ quan quản lý điều hành thị trường với những chính sách theo kiểu không quản được thì cấm, hạn chế.

Còn nhiều doanh nghiệp thì chỉ chăm chăm huy động vốn từ thị trường này. Cả hai thành phần trên có lúc quên mất rằng nhà đầu tư mới là yếu tố quan trọng nhất của TTCK chứ không phải chỉ là vốn và quản lý sao cho an toàn với mình”. 

Theo ông Hưng thì những biện pháp “giải cứu” TTCK hiện nay, thoạt nhìn có thể giúp TTCK hồi phục nhanh chóng nhưng Bộ Tài chính, UBCKNN và NHNN cần có những quyết định, giải pháp cụ thể càng nhanh càng tốt phù hợp với một thị trường phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của thị trường tài chính khác và nền kinh tế.

Dù cho cả sàn Hà Nội lẫn TPHCM đều “xanh mướt” nhưng vẫn còn đó những ý kiến lo ngại các cơ quan quản lý lại dùng những biện pháp hành chính khi VN-Index, HaSTC-Index tăng quá nhanh như đã từng làm.

Họ cũng đang chờ mong Bộ Tài chính, UBCKNN, NHNN làm sao để TTCK đừng quá nóng và không lặp lại những chính sách bất cập như vừa qua. Đó mới  thực sự là liều thuốc tốt cho một thị trường còn non trẻ như TTCK Việt Nam. 

“Tôi cho rằng ngay sau khi những biện pháp vực dậy TTCK được đưa ra mà trong phiên ngày 16/1 tăng 37,24 điểm là một điều tốt. Tuy nhiên có bền vững, có tăng tiếp không thì còn phụ thuộc vào những dấu hiệu tiếp theo như ngân hàng sẽ mua ngoại tệ đến mức độ nào, nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân ra sao, tiền sẽ rót vào TTCK như thế nào, Nhà nước sẽ làm gì với thị trường bất động sản…

Nhiều người lo ngại bơm thêm tiền  đồng sẽ làm gia tăng lạm phát nhưng các cơ quan điều hành sẽ có những cân nhắc và quyết định hợp lý. Đôi khi vì mục tiêu nào đó chúng ta phải hy sinh cái khác và cần xác định đâu là mục tiêu quan trọng hơn để tập trung vào mục tiêu đó. 

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TPHCM

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.