Ukraine nói cần một hệ thống bảo đảm an ninh đa phương mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 29/3, cố vấn hàng đầu của tổng thống Ukraine nói rằng nước này cần xây dựng một hệ thống an ninh quốc tế mới, và đang thảo luận với nhiều nước về “văn bản bảo đảm an ninh cho tương lai”.
Ukraine nói cần một hệ thống bảo đảm an ninh đa phương mới ảnh 1

Một nhân viên cứu hoả làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ nổ kho nhiên liệu ở Rivne, Ukraine, ngày 29/3. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trong video đăng lên Facebook, ông Andriy Yermak cho biết công việc liên quan đang được tiến hành với Mỹ, Anh, Trung Quốc, Canada, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ba Lan và Israel để chuẩn bị “tài liệu về bảo đảm an ninh cho tương lai”.

“Đó là lý do tôi trao đổi hằng ngày với các đối tác quốc tế để đưa một hiệp ước an ninh đa phương trở thành hiện thực”, ông Yermak nói, nhưng không cho biết cụ thể hệ thống đó sẽ hoạt động như thế nào.

Về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3, ông Yermak nói: “Tôi chắc mọi người hiểu đàm phán với đại diện của Nga hôm nay khó khăn như thế nào”.

Ông cho biết, một nhóm chuyên gia quốc tế và Ukraine đang “làm việc mỗi ngày” để phân tích tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông cho biết ý tưởng từ cuộc họp ngày 29/3 với các chuyên gia Mỹ bao gồm tiếp tục trừng phạt các ngân hàng lớn nhất của Nga và cấm vận xuất khẩu dầu Nga. Mỹ đã cấm nhập dầu từ Nga nhưng cấm vận là mức độ cao hơn nữa.

“Cần nhằm vào những chuỗi nhập khẩu quan trọng, bao gồm các nhà cung cấp đang hợp tác với tổ hợp công nghiệp – quân sự Nga”, ông Yermak nói.

Ngày 29/3, Nga thông báo sẽ giảm các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và một thành phố khác của Ukraine. Mỹ nói Nga đã bắt đầu di chuyển một lực lượng binh lính nhỏ khỏi các vị trí quanh Kiev, nhưng Washington cho rằng đây là bước sắp xếp lại lực lượng chứ không phải rút lui, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby phát biểu với báo chí.

Ông Kirby cho biết đã có 10 chiếc máy bay chiến đấu F-18 và hơn 200 binh lính Mỹ đã được điều đến Lithuania, một thành viên của NATO và là láng giềng của Nga, và quân đội Mỹ ở Ba Lan đang “liên lạc” với Ukraine để chuyển giao vũ khí cho họ.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng chỉ có thể tin vào những kết quả cụ thể của đàm phán.

Những nội dung quan trọng

Đoàn Ukraine cho biết theo đề xuất của họ, Kiev sẽ không tham gia các liên minh hay tiếp nhận quân đội nước ngoài, nhưng sẽ được bảo đảm an ninh tương tự như “Điều 5” trong hiến chương của NATO.

Những đề xuất này cần được đưa ra trưng cầu dân ý ở Ukraine, bao gồm vấn đề tham vấn trong 15 năm đối với quy chế của Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào lãnh thổ của họ từ năm 2014.

Số phận của vùng Donbass sẽ được thảo luận giữa hai lãnh đạo Nga và Ukraine.

Đề xuất của Kiev còn bao gồm việc Mátxcơva không phản đối Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết.

Ông Medinsky cũng cho biết đoàn đàm phán Nga sẽ nghiên cứu và trình kiến nghị lên Tổng thống Vladimir Putin.

Để chuẩn bị một thoả thuận hoà bình, ông Medinsky nói với hãng tin Tass rằng “chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phải đi”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm về Ukraine với các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ý trong ngày 29/3.

Reuters dẫn nguồn tin nắm được vấn đề cho biết lãnh đạo các nước này đã thảo luận về gói hỗ trợ tài chính 500 triệu USD cho Ukraine.

Trên thực địa, báo chí đưa tin các vụ tấn công tiếp tục xảy ra. Người dân ở thành phố cảng Mariupol tiếp tục phải sống trong cảnh mắc kẹt.

Theo Reuters, Tass
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.