Bài đăng trên Twitter của ông Reznikov đính kèm hình ảnh hệ thống tên lửa đất-đối-không tiên tiến quốc gia NASAMS và tên lửa đất-đối-không Aspide. Ông cám ơn Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ vì đã cung cấp những hệ thống này cho Kiev.
Những vũ khí này “sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, và làm cho bầu trời của chúng ta an toàn hơn”, ông Reznikov viết.
Bức ảnh được ông Reznikov đăng tải trên Twitter. |
NASAMS - hệ thống phòng không tầm ngắn đến tầm trung do nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon phối hợp với Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy sản xuất, đã được Lầu Năm Góc hứa cam kết cho Ukraine.
Một tuần trước, cơ quan quốc phòng Mỹ cho biết hai trong số tám bệ phóng Washington hứa cung cấp cho Ukraine sẽ đến tay Kiev "trong tương lai rất gần”.
Hệ thống Aspide tầm trung được thiết kế bởi công ty Selenia của Ý. Các biến thể kế nhiệm được sản xuất bởi Leonardo S.p.A. và chi nhánh Ý của tập đoàn quốc phòng khổng lồ ở châu Âu MBDA.
Tây Ban Nha, quốc gia đã mua hàng trăm tên lửa Aspide vào những năm 1980, thông báo rằng họ đã đưa một số tên lửa này vào gói hỗ trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Kiev đã thúc giục các đối tác phương Tây tăng cường cung cấp các hệ thống phòng không sau khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích thường xuyên nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào tháng trước.
Mátxcơva mô tả việc thay đổi chiến thuật là sự trả đũa đối với một số hành động phá hoại của Ukraine nhằm vào các địa điểm dân sự quan trọng ở Nga, bao gồm cả cầu Crimea.
Các cuộc tấn công của Nga đã làm suy yếu đáng kể hệ thống năng lượng của Ukraine, buộc các đơn vị khai thác lưới điện phải duy trì lịch trình cắt điện luân phiên để giảm tải. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 6/11 báo cáo rằng hơn 4,5 triệu khách hàng sử dụng điện trên khắp đất nước đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt này.